Xe điện đang dần phổ biến trên đường phố. Các công ty lớn cũng đang nỗ lực thân thiện hơn với môi trường. Và con người cũng có nhiều động thái ngăn biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 3,3 triệu thùng một ngày lên 99,5 triệu năm tới. Con số này sẽ bằng với kỷ lục cũ xác lập năm 2019 – trước khi đại dịch xuất hiện.
Kể cả biến chủng Omicron cũng khó làm trật khớp đà tăng này. "Các biện pháp hạn chế mới để ngăn virus lây lan có thể không gây ra nhiều ảnh hưởng như các đợt bùng phát trước, ít nhất là nhờ vaccine đã được phổ biến", IEA viết.
Cơ quan này kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu cho giao thông đường bộ và ngành hóa dầu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ giảm do các lệnh hạn chế về di chuyển quốc tế của các nước.
Các tổ chức khác thậm chí còn ít lo ngại về Omicron hơn. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không thay đổi dự báo nhu cầu năm 2022 trong báo cáo tháng này. OPEC cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trên toàn thế giới năm tới, dẫn đầu bởi các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
"Tác động của biến chủng Omicron được kỳ vọng sẽ nhẹ và ngắn hạn. Do thế giới ngày càng được trang bị tốt hơn để đối phó với Covid-19 và các thách thức liên quan", các nhà phân tích tại OPEC viết.
Bên cạnh đó, sản xuất cũng được kỳ vọng vượt nhu cầu kể từ tháng này, nhờ sản lượng của Mỹ và OPEC+ tăng lên. Xu hướng này sẽ kéo dài sang năm 2022, khi Mỹ, Canada và Brazil dự kiến bơm ra lượng dầu kỷ lục.
"Nga và Saudi Arabia cũng có thể lập kỷ lục về sản xuất. Trong trường hợp này, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 6,4 triệu thùng một ngày năm tới", IEA cho biết.
Các dự báo trên cho thấy thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bất chấp nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu và các khoản đầu tư khổng lồ vào xe điện, năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch.
Hà Thu (theo CNN)