Khó tin nhưng có thật. Thế giới này rộng lớn và vẫn không ngừng làm chúng ta ngỡ ngàng trước sự đa dạng của nhân cách con người. Thành viên Tổ truy vết thuộc Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid khẳng định rằng trong quá trình cung cấp thông tin, có đến 20% các trường hợp F0 - tôi xin nhấn mạnh là F0 - không hợp tác.
Sáng ngày 27 tháng Chạp, một thành viên Tổ truy vết gọi điện cho tôi. Ngày trước đó, một ca F1 đã im lặng 10 ngày, không khai báo dù tiếp xúc với nguồn lây. Người đó biến thành F0, và tạo ra một cuộc khủng hoảng mới - không ai biết ca bệnh này đã lây cho bao nhiêu người - ngay trước thềm Tết Nguyên đán.
"Hoàng viết gì đi", anh tâm sự. Anh nói về một luận điểm, rằng nếu mọi người hợp tác với các cơ quan dân sự, như CDC từ đầu, mọi chuyện sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng. CDC chỉ cần biết một người nghi nhiễm đã gặp ai, ở đâu. Nhưng nếu một người quyết định khai báo loanh quanh, các thông tin không trùng khớp, công an sẽ phải vào cuộc. Và lúc đó, công an sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng theo đúng chức năng của họ, cả đến việc gặp ai, để làm gì, quan hệ như thế nào.
Đó đúng là một luận điểm. Nhưng khi cúp máy xuống, tôi nghĩ về điều anh nói, và thấy xót thương những cán bộ như anh. Khổ quá, sao phải dùng cả luận điểm như thế để thuyết phục người ta làm việc đúng?
Tôi muốn nói thêm một luận điểm khác. Rằng cái giá phải trả của lời nói dối trong bối cảnh này, đơn giản là đắt đến mức bạn không nên đánh đổi. Cho dù cái giá của việc nói thật là gì, nó cũng không lớn bằng việc bạn trở thành kẻ thù của công chúng.
Cái giá của nói thật là gì? Đón Tết trong trung tâm cách ly? Quá nhỏ nhặt, nếu bạn nghĩ kỹ bạn có thể nhận ra mình cũng chẳng yêu Tết đến thế, và những khái niệm "về quê ăn Tết", "sum họp gia đình" hay "báo hiếu cha mẹ" đều có thể làm 365 ngày trong năm. Chúng vốn chỉ được thần thánh hóa trong tâm tưởng của mình, nhờ công của các chiến dịch quảng cáo bán hàng nữa.
Cái giá của nói thật là gì? Bị vợ hoặc chồng phát hiện ra có người thứ ba? Hoặc một bí mật đời tư ghê gớm hơn nữa, kể cả một đứa con riêng mà bạn trót ghé thăm? Nếu cái giá là thế, tôi phải chúc mừng bạn. Tôi không biết bạn là ai, chức vụ gì, gia đình đang sống trong cái vỏ ấm êm lấp lánh đến thế nào; nhưng tôi biết, như bao người, việc mang theo một bí mật luôn là gánh nặng. Nó có thể đang dày vò cào xé bạn từng đêm trong nhiều năm qua. Và cũng như mọi người mang bí mật, bạn thật ra khao khát tìm cơ hội để được nói ra điều trĩu nặng trong lòng. Bạn chỉ chưa bao giờ gom đủ dũng cảm. Và bây giờ bạn có cơ hội tuyệt vời nhất: bạn nói thật để cứu mạng những người vô tội.
Cái giá của nói thật là gì? Bị nhắc đến trên mạng xã hội với một vài bình phẩm khó nghe, hoặc đầy định kiến? Giá đó kể cũng đắt, và tôi thông cảm nếu bạn không muốn trải qua. Ngay lúc này, đang có những phản biện nhất định về hàm lượng thông tin cá nhân của các F0 được công bố.
Nhưng tôi có thể nói với bạn, rằng chuyện sẽ qua nhanh thôi. Tôi nói điều đó, bằng tư cách của một người đã sống trong sóng gió của truyền thông xã hội suốt một thập niên, và đã trải qua những cơn bão mà đến showbiz cũng phải vái chào. Bị đàm tiếu chẳng có gì đáng tự hào, cũng chẳng có gì nhiều để mặc cảm: trí nhớ xã hội cơ bản là không có chỗ để chứa mấy chuyện thị phi quá lâu. Trừ khi bạn quyết định nói dối.
Còn cái giá của nói dối trong bối cảnh này là gì? "Kẻ thù của công chúng" có thể không phải là khái niệm pháp định, như tội phản bội tổ quốc. Nhưng Covid đã tạo ra quá đủ bi kịch để công chúng có thể duy trì lòng vị tha. Bạn có biết rằng cho đến trước đại dịch này, giai đoạn 2017-2019, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Nông lương vẫn khẳng định rằng có đến 6,4% dân số Việt Nam thiếu dinh dưỡng. Ngoài kia có những người đánh vật với miếng ăn theo nghĩa đen. Bạn có nhớ lần gần nhất mình bị đói đến mức hạ đường huyết không? Những doanh nghiệp du lịch và bán lẻ khốn đốn, những người lao động mất việc làm, những gia đình chia lìa, và cả những người đã chết. Việt Nam đơn giản là không còn sức để gánh thêm một lời nói dối của bạn. Mọi người sẽ căm ghét bạn, nếu bạn nói dối.
Và trở thành kẻ chống lại cộng đồng chỉ là cái giá cơ bản. Sẽ còn những cái giá đắt hơn, khi người thân của bạn nhiễm Covid chỉ vì sự loanh quanh này. Nếu tôi ở trong cảnh đó, tôi nghĩ mình sống không bằng chết.
Một trong những bài học đầu tiên tôi được dạy khi gia nhập VnExpress và phụ trách chuyên mục Góc nhìn này, là sự khách quan. Không sử dụng mệnh lệnh thức, không đưa ra lời kêu gọi trực tiếp – Tổng biên tập của chúng tôi yêu cầu. Và đó đúng là những thứ cần tránh trong nghề báo. Suốt 6 năm, một trong những việc quan trọng của tôi là ngồi điều chỉnh sự khách quan. Các chuyên gia nhiều khi cũng muốn khuyến nghị trực tiếp. Tôi thương lượng để chỉnh lại hết. Tôi biên tập các mệnh đề kiểu "chính phủ phải làm ngay" thành "chính phủ cần cân nhắc", tôi biến "cách duy nhất để..." thành "một trong những ưu tiên lúc này là...". Tôi chỉ chấp nhận các đề xuất, không chấp nhận mệnh lệnh thức.
Nhưng hôm nay, trong tư cách một tác giả, trong bối cảnh đất nước gian nguy, tôi nghĩ rằng có những thứ không thể khách quan được. Suốt cả bài viết này, tôi đã dùng nhiều mệnh đề tuyệt đối hóa.
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp tôi viết bằng giọng kêu gọi này. Nhưng có những thứ tôi biết rằng tuyệt đối đúng. Đơn cử, như là nỗi sợ chết của chính tôi lúc này, một người Việt Nam. Và nếu bạn nghe kỹ, có đến một trăm triệu lời cầu khẩn đang vang bên tai bạn, cùng một nỗi sợ như thế. Nếu đã dương tính, hoặc tiếp xúc với nguồn lây, bạn không cần làm gì hơn ngoài nói thật.
Đức Hoàng