Hồi tháng 5, do cơn sốt gạo bất thường cuối tháng 4 nên chỉ số giá lương thực lên đến 36%, đẩy CPI 5 tháng tăng đến 13,78%.
Theo số liệu của Cục Thống kê công bố hôm nay, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 vượt tới gần 25,5% so cùng kỳ năm 2007.
Đáng chú ý, giá đôla Mỹ dù chỉ tăng 6,69% so với tháng 5, nhưng đây là mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay và dẫn đầu trong rổ hàng hóa tháng 6 của TP HCM. Mức tăng các tháng trước chỉ dao động nhẹ 1,2-1,7%, thậm chí có tháng còn giảm. Nguyên nhân do cơn sốt giá USD trên thị trường tự do vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, có lúc đã vượt mức 18.000 đồng một đôla.
Giá kim loại quý cũng biến động với xu hướng tăng 4,75%, do đồng đôla Mỹ mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác và giá dầu tiếp tục tăng mạnh. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số này tăng đến 39,36%.
USD có mức tăng dẫn đầu trong rổ hàng hóa tháng 6. Ảnh: Hồng Phúc. |
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã bỏ cuộc đua dẫn đầu tăng giá, trong tháng 6 chỉ tăng nhẹ 3,75%. Riêng lương thực chỉ nhích thêm 1,77% do cơn sốt gạo đã hạ nhiệt, giá bán lẻ gạo khá ổn định. Nhưng nếu tính theo cách bình quân 6 tháng, lương thực vẫn dẫn đầu trong rổ hàng hóa tính CPI với mức tăng ngất ngưởng 47,99%.
Hiện gạo trắng thường 25% tấm có giá 10.000-11.000 đồng một kg, nàng thơm chợ Đào dao động 15.000-17.000 đồng mỗi kg. So với trước thời điểm biến động cuối tháng 4, giá gạo còn cao hơn khoảng 2.000-3.000 đồng một kg.
Trong tháng 6, giá thực phẩm tăng 4,49% so tháng trước. Nguyên nhân giá gạo tăng đã kéo theo các mặt hàng thực phẩm chế biến khác như bún, bánh canh... và giá các dịch vụ ăn uống khác cũng điều chỉnh theo. Một phần khác do giá gas tăng mạnh 305.000 đồng bình 13 kg vào nửa đầu tháng 6.
Bạch Hường