Trao đổi với VnExpress, chị Phạm Tuyết Mai, phụ trách kinh doanh siêu thị Hapro cho biết, từ hai tuần trước, nhiều doanh nghiệp đã gửi báo giá mới tới cho siêu thị. Các ngành hàng được đề nghị tăng giá chủ yếu là thực phẩm như thịt lợn, đồ hộp, xúc xích, thịt nguội... Ngoài ra, dầu ăn và đường cũng là những mặt hàng mà doanh nghiệp đề nghị tăng giá. Mức tăng được đề nghị của hầu hết các mặt hàng này vào khoảng 5-10%.
Đối với những nhóm hàng mà hạn sử dụng ngắn, đặc biệt là thực phẩm, các siêu thị phải bán với giá mới ngay bởi vì hàng dự trữ không còn.
Hiện nay, thịt lợn Đức Việt loại mông sấn được bán với 44.000 đồng/kg, sườn 54.000 đồng/kg, vai 42.000 đồng/kg. Giá các loại này đều tăng 9.000-10.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây hai tuần. Hầu hết các loại đồ hộp Hạ Long loại 170-175g tăng 800-1.000 đồng/hộp. Một hộp cá biển sốt cà chua 175g có giá 6.500 đồng, trước là 5.500 đồng. Giò, chả, ruốc...cũng đều tăng giá. Một túi ruốc thịt 2 lạng được bán ở mức 33.000 đồng, tăng 5.000 đồng.
Đại diện siêu thị Intimex Hà Nội cũng cho hay, từ giữa tháng 6 Intimex đã nhận được thông báo tăng giá của nhiều nhà cung cấp. Các mặt hàng được đề nghị tăng giá chủ yếu là sữa, các sản phẩm từ sữa, thịt và các sản phẩm từ thịt.
Một cán bộ của chuỗi siêu thị Co.op mart cũng cho biết, cơn lốc tăng giá cũng đã "tràn" vào hệ thống. Từ hơn hai tuần nay, nhiều nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá hàng lên 10-15%. Tuy nhiên, siêu thị chỉ tăng 5-10% để bù chi phí cho mình, chứ chưa thể đáp ứng yêu cầu của nhà cung cấp.
![]() |
Nhóm hàng thực phẩm tại các siêu thị hầu hết đều đã tăng giá. |
Lý do được các nhà cung cấp đưa ra là chi phí đầu vào tăng, chi phí lưu thông cũng tăng do tác động của việc xăng dầu tăng giá, giá vật tư sản xuất tăng.
Giá tăng không chỉ bó hẹp trong các mặt hàng sản xuất trong nước. Các mặt hàng nhập khẩu cũng đang tranh thủ tình hình để "tát nước theo mưa". Đại diện của Intimex cho biết, các sản phẩm nhập khẩu như sữa, bánh kẹo, đồ hộp... đều tăng giá ít nhất 5% so với đầu tháng 6.
Theo chị Phạm Tuyết Mai, mỗi đợt tăng giá thế này các siêu thị thường rất đau đầu. Chị giải thích, thông thường các siêu thị sẽ có kho dự trữ hàng hóa. Nếu các báo giá mới tới vào thời điểm mà nguồn hàng dự trữ còn thì không phải tăng giá ngay, nhưng nếu siêu thị đã hết hàng dự trữ thì buộc phải niêm yết giá mới. Trong trường hợp này, nếu các đại lý bên ngoài, hoặc siêu thị khác còn hàng dự trữ và chưa bán với giá mới thì sẽ tạo ra sự chênh lệch. Người tiêu dùng sẽ nhận ra ngay và chắc chắn sẽ không mua hàng ở siêu thị này nữa.
Giá cả sẽ còn tăng
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý Giá, Bộ Tài chính, những tháng cuối năm, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá. Theo phân tích của ông, nhu cầu nguyên, vật liệu đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao, nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu vẫn căng thẳng sẽ làm cho mặt bằng giá thị trường khó vận động về mức giá thấp trước đây mà vẫn đứng ở mức cao và vẫn có khả năng nhích lên.
Tình hình này, theo ông Thỏa, sẽ tác động trực tiếp làm tăng giá trong nước đối với những vật tư hàng hóa đầu vào của nền kinh tế mà VN đang phải nhập khẩu với khối lượng lớn như xăng dầu, các sản phẩm gốc dầu, phôi thép...
Ngoài ra, xăng dầu vẫn có nguy cơ tăng giá khi đứng trước sức ép giá dầu thế giới tăng. Trong khi đó, đây lại là nhóm hàng nếu tăng giá sẽ gây tác động lan toả đến giá cả nhiều mặt hàng và chi phí của các ngành sử dụng xăng dầu như vận tải, thuỷ sản, ngư nghiệp, nông nghiệp...
Thêm vào đó, theo quy luật của thị truờng, những tháng cuối năm, đặc biệt là 3 tháng cuối (dịp Tết Nguyên đán) lại là khoảng thời gian giá cả tăng mạnh nhất trong năm, sẽ càng đẩy mặt bằng giá chung lên cao.
Hà Vy