Thực phẩm tăng giá. Ảnh. Anh Tuấn |
Hai ngày nay, nhiều người đã bắt đầu than thở về các khoản tiền mới phát sinh cho việc di chuyển. Anh Trần Văn Chí, nhân viên giữ xe Siêu thị Zen Plaza, TP HCM cho biết, trước khi giá xăng tăng, chi tiêu hằng ngày của anh là 20.000 đồng, giờ thì chi phí cho việc đi lại tiếp tục bị đội lên khoảng 1.500 đồng. "Tính sơ sơ, một tháng riêng tiền xăng tôi sẽ phải mất thêm 45.000 đồng nữa, trong khi lương vẫn giữ 900.000 đồng/tháng". Giải pháp của chị Ngọc Thủy, ở quận 1, TPHCM là: Nhà có 4 chiếc xe dùng đi làm, nay để một chiếc "nghỉ dưỡng", chị đi dạy học bằng xe buýt.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt bắt đầu nêu gương tiết giảm chi phí xăng dầu cho nhân viên bằng cách hằng ngày đi bộ đến cơ quan làm việc và đi bộ về, mệt thì leo lên xe buýt. Ông Mỹ cho hay, có lẽ sắp tới công ty du lịch cũng phải tăng giá vì thông thường chi phí vận chuyển chiếm 20% giá thành tour. Giá xăng tăng thường ảnh hưởng nhiều đến ngành vận chuyển. Một số nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch vừa thông báo tăng giá ăn uống sau khi giá xăng tăng.
Theo các chuyên gia kinh tế, xăng dầu tăng giá 500 đồng/lít chưa đủ sức làm cho giá cả thị trường biến động mạnh. Nhưng trên thực tế, giá xăng đã gây áp lực lớn cho những người làm nghề xe ôm, taxi, vận chuyển... Đại diện công ty taxi G, Hà Nội cho biết, do tác động của giá xăng dầu, chi phí vận tải nói chung đội lên khoảng 2,5%. Với mức tăng này, giá cước vận tải sẽ phải tăng khoảng 4% mới bù đắp được chi phí. "Tuy nhiên, do có quá nhiều hãng taxi đang cạnh tranh, đến thời điểm này, hãng vẫn cố cầm cự chứ chưa có chủ trương niêm yết giá cước mới", ông này nói.
Theo hầu hết các chủ kinh doanh vật liệu xây dựng ở phố Đê La Thành, Cát Linh, Hà Nội, cách đây 2 ngày, toàn bộ các mặt hàng đã được niêm yết giá bán mới với mức tăng 3.000-4.000 đồng/kg. Anh Vinh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng số 15 Thanh Nhàn, Hà Nội cho biết, do chi phí vận chuyển tăng, hầu hết các nguyên vật liệu xây dụng đều chịu ảnh hưởng. Không chỉ có sắt thép xây dựng mà các loại gạch xây cũng đã tăng thêm khoảng 200-250 đồng/viên, gạch ốp lát tăng 2.000-3.000 đồng/m2, cát, sỏi tăng khoảng 20.000 đồng/xe ôtô.
Lâu nay, chuyện thép, nhựa, phân bón và các sản phẩm khác tăng giá mỗi khi giá xăng dầu biến động diễn ra khá phổ biến. Theo Hiệp hội phân bón VN, do tác động của giá thế giới cùng với các khoản chi phí bị đội lên do giá xăng dầu tăng, từ hôm qua, giá phân bón urê đã tăng khoảng 100-150 đồng/kg và ở mức 4.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN cho biết, tính đến thời điểm này, nguồn cung urê của cả nước còn khoảng 400.000 tấn (200.000 tấn tồn kho, 100.000 tấn mới nhập và 100.000 tấn sản xuất trong nước), đảm bảo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phân bón vụ mới. Lượng dự trữ có thể giúp giảm bớt tác động tăng giá, nhưng mức tăng khoảng 3-5% trong thời gian tới có thể xảy ra.
Nỗi lo tăng giá bắt đầu hiện diện trong từng gia đình khi các công ty gas chính thức thông báo niêm yết giá bán mới cho tháng 4 tăng 9.000 đồng/bình 12 kg. Sáng nay, giá bán lẻ tại các đại lý chính thức của Shell gas là 156.000 đồng/bình 12 kg; của Petrolimex là 166.000 đồng/bình 13 kg và 153.000 đồng/bình 12 kg; của Total gas là 150.000 đồng/bình 12 kg.Theo các công ty, giá gas thế giới đang ở mức cao cùng với chi phí vận chuyển bị đội lên do giá xăng dầu tăng, nên mức tăng 9.000 đồng/bình là hợp lý. "Lần tăng giá này sẽ không gây bất ngờ cho người dân mặc dù mức tăng khá cao, do trước đó ba ngày, giá xăng đã tăng 500 đồng/lít, dầu tăng hơn 600 đồng/lít", ông Lê Xuân Trình, Phó giám đốc Công ty kinh doanh và chế biến các sản phẩm khí nói. Hơn nữa, theo ông Trình mức tăng này vẫn thấp hơn đỉnh điểm hồi cuối năm ngoái khoảng 10.000 đồng/bình, người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận được.
Nhưng người tiêu dùng đang tìm cách để tiết kiệm gas. Nhân viên các Siêu thị Fivimark, Marko... ở Hà Nội và các Siêu thị Coop mart, Zen Plaza của TP HCM cho biết, các loại hàng tiết kiệm gas cho bếp như lưới tăng nhiệt, tấm che gió, miếng lót bếp mấy ngày nay quá hút hàng.
Cơn sốt tăng giá bắt đầu lan đến các chợ. Từ chiều qua, hầu hết các mặt hàng thực phẩm, đồ uống đều được niêm yết mức giá mới tăng khoảng 5-10%. Theo lý giải của Ban quản lý chợ đầu mối Long Biên, do chi phí vận chuyển tăng nên hầu hết các mặt hàng thực phẩm hoa quả bị đội lên. Tôm sú được chào bán 205.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000-5.000 đồng so với tuần trước. Cá cũng tăng giá khoảng 2.000 đồng/kg.
Ông Trương Minh Đức, Phó phòng kinh doanh Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, TP HCM, đơn vị quản lý chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng cho rằng xăng không ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng giá dầu tăng có tác động đáng kể đến giá cả thủy hải sản ở chợ."Tàu đánh bắt xa bờ thường dùng dầu", ông Đức nói.
Tuy nhiên hiện tại giá cả ở chợ vẫn ổn định, lượng hàng về chợ trung bình đạt 250-300 tấn/ngày. Theo ông Đức, riêng giới vận chuyển có thể sẽ không tăng giá do phải tính tới yếu tố cạnh tranh nữa. Động thái giá cả như thế nào, ông Đức cho rằng chờ một tuần nữa sẽ rõ.
Tại các sạp rau sạch ở Hà Nội, giá mỗi cân rau sạch tăng từ 1000-1500 đồng/kg, dù nguồn vẫn dồi dào. Hoa quả các loại đứng giá, xoài ngon giá 25.000-30.000 đồng/kg, quýt ngọt 25.000 đồng/kg. Táo nhập khẩu 35.000-40.000 đồng/kg. Giá lương thực tiếp tục đứng ở mức cao, trong đó gạo tẻ thường dao động 4.000-4.500 đồng/kg, gạo Bắc Hương 6.500-7.000 đồng/kg, gạo tám thơm 6.800 đồng/kg.
Đường, sữa cũng lên. Sữa bột của Abbott tăng khoảng 13.000-20.000 đồng/hộp (tương đương 15-20%), sữa bột Vinamilk tăng 3.000-4.000 đồng/hộp (tương đương 15-19%).
Một số nhà cung cấp hàng nhựa, rau quả, mỹ phẩm cho siêu thị đã thông báo tăng giá 10-20%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại Sàigòn Coop, đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị Coop mart, phải chờ 1-2 tháng nữa mới biết được tác động đích thực của giá xăng dầu. Hiện tại các siêu thị Coop mart vẫn còn hàng dự trữ hoặc hàng trong hợp đồng với các nhà cung cấp nên nói chung giá không tăng.
Minh Khuyên - Phan Anh