Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, cho biết kỹ thuật ghép phổi rất phức tạp. Công tác chuẩn bị trước ca mổ lấy và ghép cũng rất khó, bởi phổi là loại tạng nhiễm khuẩn ở cả người cho và người nhận.
Người cho phổi chủ yếu là bệnh nhân chết não, đã trải qua quá trình thở máy, gây mê, chấn thương... nên nhiễm nhiều vi khuẩn đường hô hấp.
Người nhận đa số mắc bệnh phổi mạn tính nên phổi thường bị nhiễm trùng, bẩn, đầy mủ, dính vào thành ngực. Bác sĩ phải mất nhiều giờ để gỡ dính. Nhanh thì 2-3 tiếng đồng hồ, lâu phải mất 6 tiếng mới gỡ được phổi hỏng ra khỏi lồng ngực bệnh nhân. Khi gỡ dính cũng phải cẩn thận hết sức, nếu phổi bị chảy máu sẽ không thể ghép được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây thất bại lớn cho một ca phẫu thuật ghép phổi.
"Ít hay nhiều, phổi của người cho và nhận đều nhiễm khuẩn, đòi hỏi công tác chuẩn bị mổ lấy và ghép phổi rất phức tạp", bác sĩ Ước nói.
Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật ghép phổi rất rắc rối, trải qua nhiều thì, đòi hỏi số lượng bác sĩ tham gia đông, chia nhiều ê kíp và cần phối hợp đồng bộ với nhau. Quá trình mổ lấy và bảo quản phổi cũng khó hơn so với các tạng khác ở người chết não.
Nguyên tắc ghép tạng, khi ê kíp một phẫu thuật mở lồng ngực người cho và đánh giá phổi tốt, có thể chuyển ghép; thì ê kíp hai mới được phép phẫu thuật mở ngực người nhận.
"Khi phổi lấy ra khỏi lồng ngực người hiến phải được bảo quản đúng cách trong khi chờ ghép vào ngực người nhận", bác sĩ Ước giải thích. Ở Việt Nam, ca đầu tiên ghép phổi bị dính nên tổng thời gian ghép mất 14 giờ. Ca thứ năm ghép, mới nhất, chỉ mất hơn 6 giờ do phổi không dính.
Với phổi hiến, quá trình lấy và cắt để bảo vệ cuống phổi rất khó. Khi lấy ra khỏi lồng ngực người hiến, phổi vẫn phải phồng to như quả bóng. Nếu phổi bị xẹp thì không ghép được. Phổi lấy ra, phải rửa lại bằng dung dịch riêng, cần dùng chậu inox to để bơm rửa. Sau đó phổi được bảo quản trong nhiệt độ 8-10 độ C.
Với người nhận, tùy tình trạng bệnh lý, có người cần ghép một phần phổi, có người ghép nguyên lá phổi. Bác sĩ phải phân chia phổi hiến tương đương thể tích cần ghép cho người nhận, không được chênh lệch quá 30%. Đây là khâu đòi hỏi phải tính toán tỉ mỉ chính xác để đảm bảo phổi ghép tương thích. Nguồn tạng ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về miễn dịch và nhiều chỉ số hòa hợp khác.
Quá trình phẫu thuật ghép vào người nhận đòi hỏi nhiều khâu, từ bảo quản, vô trùng, vận chuyển... phải đồng bộ. Thủ thuật gây mê, đặt ECMO hỗ trợ cho bệnh nhân trong khi ghép phổi phải được tính toán kỹ. Chỉ sai sót nhỏ trong một khâu là không thể ghép phổi được.
"Ca ghép tim khó một thì ca ghép phổi khó ba thậm chí gấp 5 lần, bởi độ phức tạp, nhiều thì, nhiều chu trình phẫu thuật", bác sĩ Ước nói.
Bệnh viện Việt Đức đến nay đã thực hiện 5 ca ghép phổi, đều từ nguồn người hiến chết não. Trước mổ ghép, các bác sĩ phải đo đạc kích thước phổi để phù hợp giữa người nhận và người cho. Trong 5 ca, có 4 ca các bác sĩ phải cắt bớt phổi người cho.
Thường sau khi ghép, phổi bị phù lên. Nếu bác sĩ đóng lồng ngực bệnh nhân ghép lại ngay thì phổi mới nhận sẽ bị chèn ép, xẹp lại. Do đó, sau khi ghép, bệnh nhân không đóng ngực ngay mà được che bằng dụng cụ vô trùng, 2-3 ngày sau, lá phổi co lại mới được đóng ngực.
Đặc biệt, khâu chăm sóc hậu phẫu rất vất vả. Phổi nguy cơ nhiễm trùng cao, phổi khi ghép không có thần kinh thực vật, không có phản xạ ho, khạc như người bình thường. Vì vậy, bác sĩ phải soi hút dịch hàng ngày, làm sạch đường thở, tập liệu pháp sớm để hồi phục cơ hô hấp.
Vài ngày đầu sau ghép, phổi bị phù nề, bệnh nhân được can thiệp bằng hệ thống ECMO (oxy hóa máu bên ngoài cơ thể), dùng nhiều thuốc kháng sinh. Bệnh nhân phục hồi rất chậm, không nhanh như các tạng ghép khác.
Một bệnh nhân ghép phổi tại Bệnh viện Việt Đức phải trải qua thời gian hậu phẫu suốt 10 tháng mới có thể xuất viện. Sau ghép, bệnh nhân gặp hàng loạt vấn đề thay đổi ở phổi như sụn phổi ghép mềm nhũn, phổi xơ hóa lại, xuất hiện các hạt viêm... Bệnh nhân được điều trị và chăm sóc lâu dài, may mắn hiện khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Ước, không phải bệnh nhân nào cũng có thể ghép được phổi. Những bệnh nhân chống chỉ định ghép phổi như bị nhiễm trùng ngoài phổi, phổi nhiễm trùng chưa được kiểm soát, ung thư, suy đa tạng, rối loạn đông máu, dị dạng cột sống, BMI trên 35, tâm thần, đang hút thuốc, nghiện rượu...
Thế giới đến nay ghi nhận hơn 4.000 ca ghép phổi. Trong đó châu Âu đã ghép gần 2.000 ca, Mỹ cũng gần 2.000 ca. Ở châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã thành công trong ghép phổi cho bệnh nhân. Việt Nam đã thực hiện 5 ca.
Bác sĩ Ước đánh giá thành công của ca ghép phổi đến 85-90%, tuy nhiên khả năng bệnh nhân sống lâu dài chỉ bằng nửa so với ghép tim. 50% bệnh nhân ghép phổi sống trên 5 năm, trong khi ở ghép tim là hơn 10 năm. Chi phí ghép phổi tại Việt Nam khoảng 2 tỷ đồng, trong khi chi phí của nước ngoài gấp 10 lần.
"Bệnh nhân 91" - ca Covid-19 nặng nhất hiện nay, đã được Bộ Y tế chỉ định ghép phổi. Tuy nhiên bệnh nhân đang bị rối loạn đông máu, can thiệp ECMO gần một tháng rưỡi, phổi đông đặc 70-80%, mắc hội chứng "bão cytokine" (hệ miễn dịch phản ứng thái quá)... Bộ Y tế chỉ định điều trị nội khoa ổn định lâm sàng trong khi tìm nguồn phổi phù hợp từ người hiến chết não.