Khi nào cần ghép phổi?
Người được chỉ định ghép phổi hầu hết là bệnh nhân nặng, không có cách điều trị nào khác, nếu không ghép sẽ tử vong trong vòng 2-3 năm tiếp theo.
Các bệnh phổ biến cần ghép phổi bao gồm: phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ hóa phổi, bệnh xơ nang và tăng huyết áp động mạch phổi.
Chuẩn bị ghép, người bệnh phải qua nhiều loại xét nghiệm. Sẽ không ghép được nếu người nhận có các bệnh khác như tim mạch, thận, nhiễm trùng. Người bệnh cần bỏ các thói quen có hại như hút thuốc, lối sống không lành mạnh gây béo phì.
Ca phẫu thuật ghép phổi người đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại Mỹ năm 1963 từ người hiến tạng chết do nhồi máu cơ tim. Người nhận 58 tuổi, bị ung thư phế quản phổi trái. Hiện nay mỗi năm thế giới có khoảng 3.500 ca ghép thành công.
Người hiến phổi sống cần điều kiện gì về sức khỏe?
Độ tuổi lý tưởng để hiến là 18-60. Người hiến tặng phải không có tiền sử ung thư, chưa từng bị chấn thương, nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc ngưng tim. Các xét nghiệm sàng lọc với HIV, viêm gan B và C cho kết quả âm tính. Nhóm máu và kích thước phổi tương thích với người nhận.
Hầu hết những người hiến tạng sẽ trải qua các cơn đau sau khi mổ. Lồng ngực của họ cũng được nối một ống thông trong khoảng vài ngày. Giống như người nhận tạng, người hiến có nguy cơ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật, dù điều này khá hiếm gặp. Nghiên cứu trên 253 người hiến phổi cho thấy không ai tử vong trong hoặc sau cấy ghép. Đa số hồi phục bình thường, song cũng có người gặp vấn đề hô hấp.
Hầu hết họ phải lưu theo dõi tại bệnh viện đến 10 ngày. Quá trình hồi phục mất khoảng 4 đến 6 tuần. Lúc này, họ không thể làm việc, đi lại cũng khó khăn.
Các biến chứng thường gặp sau ghép?
Ghép phổi là phương pháp cứu mạng người bệnh, tuy nhiên các biến chứng cũng có thể rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
Một trong số đó là nội tạng không tương thích, dẫn đến thải ghép. Về cơ bản, hệ thống miễn dịch bảo vệ con người khỏi sự xâm nhập của các tác nhân lạ, bao gồm cả tế bào và nội tạng. Dù thể trạng của người nhận và người hiến phù hợp đến đâu, hệ miễn dịch vẫn có thể tấn công và từ chối dung dưỡng phổi mới. Nguy cơ thải ghép cao nhất là ngay sau khi phẫu thuật và giảm dần theo thời gian.
Các triệu chứng phổ biến của phản ứng thải ghép là ho ra máu, hụt hơi, khó thở khi nằm...
Người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng. Các loại thuốc chống thải ghép sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn. Người bệnh cũng thường có phản xạ ho sau khi cấy ghép, không thể loại bỏ chất nhầy ra khỏi phổi, tạo môi trường lý tưởng phát sinh vi khuẩn.
Năng lực ghép phổi của Việt Nam như thế nào?
Ca ghép phổi từ người hiến tặng còn sống đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tháng 2/2017, do Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Bệnh nhi 7 tuổi bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được ghép cả hai lá phổi từ bố và bác ruột.
Tháng 2/2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép hai phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, 54 tuổi, bị bệnh phổi tắc nghẽn giai đoạn cuối. Phổi hiến từ hiến tặng của một người đàn ông bị chết não. Đây là ca ghép phổi từ người hiến chết não lần đầu tiên tại Việt Nam.
Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép phổi tiếp theo tháng 12/2018 từ người cho chết não. Bệnh nhân nhận phổi là Nguyễn Văn Đức, 17 tuổi, nhập viện khi gần như toàn bộ tổ chức phổi không còn hoạt động.
Tháng 8/2019, bệnh viện Việt Đức ghép hai phổi, tim, gan, hai quả thận của người hiến cho 5 bệnh nhân. Người nhận phổi ghép là Ngô Văn Khương, 33 tuổi. Cuối năm 2019, anh Khương có thể tự làm được việc nhà như tưới rau, chăm cây cối.
Tháng 12/2019, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật sửa tim và ghép phổi đồng thời, từ nguồn tạng của thanh niên 19 tuổi chết não. Người nhận là nữ 30 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh. Phẫu thuật kéo dài 12 giờ, thành công.
Chi phí một ca phẫu thuật ghép phổi?
Mức phí cho phẫu thuật này tùy thuộc từng quốc gia và bệnh viện. Tại Mỹ, phẫu thuật ghép một lá phổi tốn hơn 800.000 USD. Để ghép hai lá phổi, người bệnh phải chi trả hơn một triệu USD.
Tại Việt Nam, chi phí cho một ca ghép phổi khoảng 2 tỷ đồng.
Thục Linh (Theo NHS, Mayo Clinic, NCBI, WebMD)