Nghề môi giới bất động sản là một nghề có khối lượng chuyển dịch tiền tệ rất lớn. Hầu hết các khoản tiền của doanh nghiệp và người dân đều đổ về bất động sản.
Nhu cầu nhà ở rất lớn, và cũng là tư liệu sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu bất động sản càng lớn. Để mua một căn nhà thì bạn cũng phải chi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Để mua một lô đất cũng lên tới tiền tỷ này đến tỷ kia. Với mỗi giao dịch hàng tỷ đồng như vậy thì một mảnh đất, một căn nhà thì môi giới lời 100 triệu đến 200 triệu là rất bình thường.
Trong đó, họ phải chi 5-25% tiền hoa hồng cho chuyên viên kinh doanh bất động sản. Như vậy trung bình bán một căn nhà hay mảnh đất tầm một tỷ đồng thì chuyên viên kinh doanh bất động sản có 10-25 triệu một mảnh. Như vậy họ có hoa hồng từ 1-2.5% giá trị giao dịch. Đây là mức trung bình ở quê tôi. Còn ở thành phố có khi lên đến 5-10%. Mỗi tháng trung bình các chuyên viên kinh doanh bất động sản bán từ 5-7 mảnh đất thì có thu nhập từ 50 triệu đến 175 triệu.
>> Ngộ nhận 'IT cống hiến nhưng thu nhập kém cò đất'
Giám đốc bán hàng có thể lên tới hàng chục mảnh đất trong một tháng, có thu nhập từ 2-3 tỷ trên tháng. Những mùa sôi động, các cá nhân nổi tiếng có thể bán hàng chục thậm chí hàng trăm mảnh đất trong một buổi tối. Như vậy tổng lượng tiền giao dịch là cực lớn, giá trị mà các môi giới, cò kiếm được từ bất động sản tuy cao song tỷ lệ phần trăm trên mỗi giao dịch rất thấp.
Trong khi giá trị giao dịch của một dược sĩ, hay bác sĩ thường là vài trăm nghìn tiền khám và thuốc men. Nếu đại phẫu thì thường từ 200 triệu đến 800 triệu một ca. Nhưng không phải thường xuyên vì đây không phải nhu cầu cao, bình thường như bất động sản. Không ai muốn mình phải lên bàn mổ và không phải ai cũng có đủ tiền.
Chưa kể lượng chi phí khổng lồ cho ca phẫu thuật. Nếu tính 1% thu nhập được trả cho bác sĩ thì bác sĩ sẽ có 16 triệu mỗi ca. Mỗi tháng làm được 10 ca là có 160 triệu. Còn với các bác sĩ thông thường thì không thể đòi cao hơn vì tổng lượng tiền trong mỗi giao dịch rất thấp, không thể so sánh với bất động sản.
Trong các giao dịch với một kĩ sư công nghệ thông tin thì giá trị cũng không hề cao. Một website động thiết kế cho doanh nghiệp bây giờ cũng chỉ tầm 10 triệu do phá giá. Mỗi tháng 1 lập trình viên website viết được 5 website là may lắm rồi và giả sử bán được cả 5 thì cũng chỉ có tầm 50 triệu tháng.
Lượng tiền trong giao dịch rất thấp và hầu như chỉ có chi phí tiền điện, khấu hao máy móc thì lập trình viên website hưởng tới hơn 90% lượng tiền giao dịch. Đây là một con số rất cao. Nhưng lượng tiền trong giao dịch không nhiều nên tổng thu nhập thấp. Một chuyên viên IT quản lý hệ thống cũng chẳng tham gia các công việc kinh doanh, chỉ là người vận hành, giúp tự động hóa nâng cao năng suất, giao dịch của khách hàng và nhân viên.
Lượng giao dịch lớn nhất là các giao dịch ngân hàng. Mỗi giao dịch họ chỉ cần hưởng 0.001% thì cũng đã rất lớn. Vì đây là tiền của khách hàng vốn không phải của chuyên viên IT hay nhân viên ngân hàng làm ra. Đấy là chi phí giao dịch. Mỗi năm thu nhập một, hai tỷ là quá cao rồi. Một chuyên gia phát triển ứng dụng, phần mềm... thường gọi là DEV hoặc các chức vụ cao hơn như architect, consultant,... nếu lên chức cấp tập đoàn chỉ có thu nhập tương đương giám đốc.
Một tập đoàn công nghệ có hàng chục nghìn người thì cũng chỉ tầm 20-50 người cấp chuyên gia này. Thu nhập mỗi tháng từ 100 triệu đến 200 triệu. Nếu làm cho các công ty nước ngoài hoặc FDI thì cao hơn. Không phải vì có giá trị hơn mà đơn giản là các công ty này trả tiền bằng đô la hoặc các loại ngoại tệ khác khi quy đổi sẽ tạo ra lượng chênh lệch. Giống xuất khẩu lao động tại chỗ. Tuy cao nếu đổi ra tiền Việt nhưng khi so sánh với tiền ngoại tệ ở chính quốc gia đó thì nó chỉ bằng thu nhập của bồi bàn, chạy bàn hoặc nhân viên quèn thôi.
Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.