Cuối tháng 7, kênh Lộ Quan rộng 15-20 m, dài 6 km chạy qua phường Thuận An, TX Long Mỹ và xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ dày đặc lục bình. Ghe xuồng hầu như không thể lưu thông.
"Lục bình nhiều quá, tôi mất cả tiếng mà chưa đến nơi, nếu không thì chỉ mất 15 phút", ông Phan Văn Quận, 69 tuổi, chống chiếc xuồng từ nhà cặp kênh Lộ Quan ở xã Thuận Hưng vượt quãng đường khoảng 500 m ra cửa hàng gần ngã tư giao với sông Cái mua thức ăn cho cá, nói.
Lão nông cho biết con kênh này thường bị lục bình phủ kính gần 20 năm qua. Thông thường khi vào vụ thu hoạch lúa, người dân phải góp tiền mua thuốc diệt cỏ xịt cho lục bình chết bớt để ghe mua lúa dễ ra vào. Nếu không, thương lái sẽ hạ giá mỗi ký lúa 100-200 đồng, tùy khoảng cách. Tuy nhiên, lục bình phát triển rất nhanh, chỉ sau 1-2 tháng chúng lại phủ kín mặt kênh.
Cách nhà ông Quận khoảng 1,5 km, nông dân Nguyễn Văn Khương, 59 tuổi, cho biết đoạn kênh Lộ Quan này ghe xuồng không đi được suốt nhiều năm qua, vì quá nhiều lục bình. Hơn một hecta lúa của gia đình đến khi thu hoạch phải tập kết ra mặt đường, thương lái chạy xe tải vào thu mua, ép giá thấp hơn 100 đồng mỗi kg. "Họ nói không đưa ghe lớn vào chở được, còn xe thì bị hạn chế tải trọng, không chở được nhiều nên phải hạ giá thu mua", ông Khương nói.
Trong khi đó, con sông Cái rộng 20-30 m dài hàng chục km chảy qua địa phận huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, cũng phủ kín lục bình, nước chảy rất chậm, gây ô nhiễm môi trường; ghe, tàu đi lại rất khó khăn.
Ông Trần Văn Năm, 65 tuổi, làm nghề thu mua lúa nói rất ngại khi vào vùng nhiều sông rạch có lục bình ken cứng ở huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ vì mất nhiều thời gian và phát sinh chi phí. "Ghe của tôi chở 10 tấn lúa chạy trên sông Cái một đoạn khoảng 10 km phải mất gần 3 tiếng và gần 10 lít dầu, tăng gấp đôi thời gian và nhiên liệu so với các tuyến sông khác", ông nói.
Tình trạng lục bình phát triển, phủ đầy mặt kênh rạch cũng diễn ra tại các địa phương khác như huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), huyện Gò Quao (Kiên Giang), huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), song nặng nề nhất là huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ.
Ông Lê Hồng Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết điều kiện tự nhiên của địa phương và thị xã Long Mỹ nằm trong vùng giáp nước giữa triều biển Đông và biển Tây. Vì thế dù kênh rạch chằng chịt nhưng mực nước lúc lên và xuống chênh lệch không cao, chỉ vài chục centimet, nên nước chảy rất chậm và yếu. Đây là điều kiện thuận lợi để lục bình phát triển, nhất là trong các tháng vận hành hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Việt, toàn huyện có 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 18.000 ha trồng lúa; nhu cầu vận chuyển vật tư, nông sản bằng đường thủy rất lớn. Tuy nhiên, hiện có 70-80% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nằm trong vùng có các tuyến sông, rạch bị lục bình phủ kín khiến ghe tàu lưu thông rất khó khăn.
Hàng năm, địa phương đều tổ chức nhiều đợt ra quân thu dọn lục bình, khơi thông dòng chảy... nhưng không xuể do số lượng quá lớn. Việc phun xịt thuốc diệt lục bình là không được phép vì gây ô nhiễm môi trường, nhiễm độc nguồn nước.
"Nhiều địa phương khác ở miền Tây cũng gặp vấn nạn lục bình này. Vì thế, về lâu dài, chúng tôi đề xuất có dự án, đề án cấp vùng, kêu gọi đầu tư thu gom, xử lý lục bình làm phân bón, phát điện sinh khối, thủ công mỹ nghệ...", Phó chủ tịch UBND huyện Long Mỹ nói.
Trong khi đó, ông Bạch Văn Sơn, Chi cục Trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho rằng địa phương cần được đầu tư hệ thống máy móc thu gom xử lý, chế biến, tiêu thụ lục bình một cách đồng bộ, hiệu quả.
An Bình