Ngày 20/9, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam, giải thích mưa, ngập lụt kéo dài khiến tạp chất, rác, chất xả thải trong cống rãnh dâng lên gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến các bệnh về da.
Bốn bệnh về da thường gặp mùa mưa lụt, gồm:
Bệnh nấm da
Nấm da do các loại nấm gây ra, thường xuất hiện ở bàn chân, bẹn, thân mình, bàn tay... ảnh hưởng đến lớp bên ngoài của da. Tùy loại nấm và vị trí nhiễm trên da mà các biểu hiện khác nhau như phát ban với vết màu đỏ, sưng tấy, sần sùi hoặc dạng cục u dưới da.
Trường hợp nhiễm nấm ở vị trí móng tay có thể làm phần da này đổi màu sang vàng, nâu hoặc trắng và khiến móng dày lên, nứt nẻ. Nấm trong miệng hoặc cổ họng có thể gây một lớp phủ hoặc mảng màu trắng.
Nhiễm trùng da
Nhiễm trùng da bao gồm các bệnh lý thường gặp như chốc lở, mụn nhọt, viêm nang lông và viêm mô bào. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng da là điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương do tiếp xúc với nguồn nước và môi trường ô nhiễm quá lâu tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Biểu hiện bệnh phổ biến là da có các sẩn, cục sưng nóng đỏ đau, có thể có ngòi mủ hoặc đóng vảy tiết. Các tổn thương hở nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
Ghẻ
Dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ là da xuất hiện các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục, ngứa rất nhiều về đêm. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, chốc hóa.
Viêm da tiếp xúc
Nước lũ thường mang theo hóa chất, chất thải, kim loại nặng, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu tồn dư trong môi trường. Da tiếp xúc với nước lũ trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ bệnh viêm da tiếp xúc. Bên cạnh đó, thường dùng chất sát khuẩn, tẩy rửa sau đợt mưa bão cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước. Biểu hiện là da xuất hiện các dát sẩn đỏ, có thể có mụn nước, sưng nề gây ngứa, rát và khó chịu nhiều.
"Cơ thể bị ngâm nước quá lâu sẽ làm giảm sự liên kết của các tế bào sừng, biểu hiện là da sẽ bị nhăn nheo và dễ bị tổn thương", bác sĩ Thành nói, thêm rằng còn có một số bệnh ngoài da khác như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da cơ địa tái phát, tổ đỉa, viêm kẽ. Nguyên nhân là nước ngập úng thường rất bẩn, có thể là nước mưa kết hợp với nước thải sinh hoạt, dễ gây bệnh, càng nhạy cảm với người có cơ địa dị ứng, bàn tay, bàn chân dễ bong tróc.
Để tránh tiếp xúc nhiều với nguồn nước bẩn, bác sĩ khuyên mọi người mang ủng, găng tay cao su hay quần áo bảo hộ. Rửa sạch chân tay sau khi tiếp xúc nước bẩn. Tuyệt đối không sử dụng xà phòng giặt để rửa chân tay, hoặc ngâm chân tay vào nước muối, nước lá cây với mục đích giảm ngứa, viêm.
Người bị dị ứng với cao su thì không nên sử dụng ủng hoặc găng tay cao su mà dùng chất liệu nylon, hoặc buộc nylon vào tay chân trước rồi mới đeo găng tay cao su hoặc ủng khi tiếp xúc nước lụt.
Tuyệt đối không cào gãi nếu nổi mụt nước hay mẩn đỏ, không dùng kim đâm vỡ mụn nước tạo thành vết thương hở. Việc này sẽ khiến tổn thương lan rộng gây bội nhiễm, điều trị khó khăn.
Hạn chế tiếp xúc nguồn nước bẩn, nước tù đọng lâu ngày, nhất là khi có vết thương hở. Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch ngay sau khi mưa lũ đi qua.
Thúy Quỳnh