Thứ sáu, 3/5/2024
Thứ năm, 7/12/2023, 06:00 (GMT+7)

Ghế làm từ xương và răng voi trắng ở lễ hội Tây Nguyên

Gia LaiGhế làm từ xương và răng voi trắng, thừng da trâu cùng hàng nghìn công cụ âm nhạc, đồ săn bắt, trang sức của dân tộc Tây Nguyên đang trưng bày ở TP Pleiku.

Ngày 6/12, tại quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku) UBND tỉnh Gia Lai đang tổ chức trưng bày triển lãm ngoài trời mang tên "Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai".

Không gian trưng bày kéo dài một năm (từ nay đến cuối năm 2024). Từ 20/12 triển lãm sẽ bổ sung, hoàn chỉnh toàn bộ các hiện vật và hoạt động.

Các cổ vật được ông Đặng Minh Tâm, 63 tuổi, ở Lâm Đồng, sưu tầm hơn 45 năm qua, với hơn 30.000 công cụ âm nhạc, săn bắt hái lượm, dệt, trang sức, lễ nghi... trong đời sống các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Các cổ vật sẽ được làm mới, bổ sung, luân chuyển thường xuyên thời gian triển lãm.

Bộ sưu tập này từng được trưng bày ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Kon Tum, Đăk Lăk và Đà Lạt.

Độc đáo ở triển lãm là ghế xương voi (khoảng 700 năm) làm từ nhiều đốt xương, răng voi trắng (giá trị một voi trắng bằng 100 voi đen) kết cố định bằng dây rừng. Voi trắng được xem là "vua voi", thợ rừng thường làm lễ cúng trước chuyến đi săn.

Xung quanh ghế được trưng bày nhiều dây thừng bằng da trâu để bẫy, trói, thuần hóa voi, cùng nhiều giáo, mác, nỏ...

Ông Đặng Minh Tâm, chủ chiếc ghế độc đáo, cho biết ghế bằng xương voi trắng cao hơn một mét, được sưu tầm trong 5 năm ở Đăk Lăk. "Ngày xưa, người dân săn bắt voi rừng để làm sức kéo, sản xuất, chở người và hàng hoá. Các gru (nhóm thợ săn - cách gọi của người Ê Đê) không săn bắt voi mẹ, chỉ săn bắt voi con, voi đực", ông Tâm nói.

Những chiếc trống làm từ da voi khoảng 800 năm của người Mơ Nông cũng thu hút khách tham quan.

Trống là nhạc cụ nghi lễ cổ xưa của các dân tộc ở Tây Nguyên, người dân xưa thờ voi nên trống da voi được xem là vua của các loại trống.

Về mặt kỹ thuật, trống da voi rất khó làm, người đánh trống cũng tương đối khó tìm, vì ngoài sức lực, tính linh thiêng rất được chú trọng.

Sợi dây da trâu được bện lại thành cuộn để các gru bắt voi.

Máy dệt lụa bằng gỗ, đạp chân, dụng cụ quay tơ đánh suốt bằng tay của người dân Tây Nguyên.

Rcombus, 21 tuổi, người Jarai, đang trải nghiệm mõ trâu, bò, dê của đồng bào mình.

Việc trưng bày tại công viên theo hướng "bảo tàng mở", cho phép du khách tham quan trải nghiệm và tương tác.

Cuốc làm đất rẫy bắp, lúa... và đơm cá của đồng bào Tây Nguyên.

Nghệ nhân người Jarai tạc tượng nhà mồ trong khuôn viên quảng trường. Truyền thống dựng nhà mồ, tượng mồ tập trung ở các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Jarai, Mơ Nông, Xơ Đăng.

Mô hình nhà sàn của người Xơ Đăng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết hoạt động trưng bày sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu và thêm yêu văn hóa, phong tục, đời sống người dân Tây Nguyên.

Trần Hóa