Ông Tâm (65 tuổi, nguyên cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng), là chủ nhân của cuộc triển lãm trưng bày Tây nguyên thu nhỏ bên hồ Xuân Hương trong dịp Festival cuối năm vừa qua.
Xuất thân là chiến sĩ công an thường xuyên xuống các buôn làng công tác, làm việc với người dân nên ông Tâm dần yêu văn hóa của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên. "Lần đầu tiên bước vào ngôi nhà gỗ, nhà lá đơn sơ trong buôn làng giữa núi rừng của bà con tôi đã thấy rất gắn bó", ông kể.
Trong thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các dân tộc, ông Tâm được bà con yêu quý tặng những vật dụng sinh hoạt, trang phục, nhạc cụ dân tộc. Bất kỳ món đồ nào ông luôn ghi nhớ người tặng, từng câu chuyện liên quan và coi đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn kết giữa bản thân với các buôn làng. Đó là cơ duyên thôi thúc ông cất công sưu tập các hiện vật văn hóa Tây Nguyên.
Hàng chục năm qua, cựu cán bộ công an này vẫn băng rừng, lội suối tìm đến các buôn làng ở Tây Nguyên để sưu tầm, mua lại các hiện vật gắn liền với phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng nơi đây. Ông tìm hiểu, xem, cùng làm và nhớ từ cách bà con làm ra chiếc cối giã gạo, đan chiếc gùi, chiếc giỏ, đến việc chặt cây, làm nhà, đi săn, làm ruộng nương...
"Rồi từ lúc nào không hay, mình trở thành người nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên mà không qua trường lớp nào", ông Tâm chia sẻ.
Trong bộ sưu tập của mình, ông Tâm đặc biệt ấn tượng với cây đàn Goong (Kơ ní) của người Gia Rai được treo trang trọng trên tường nhà. Đây là cây đàn do nghệ nhân Rơ Chăm Tih (Gia Lai) chế tác, tặng và hướng dẫn ông cách sử dụng. Cùng với đó là những chiếc chóe (bình) đặc biệt của bà con dân tộc được ông sưu tầm trong suốt gần 40 năm qua.
Theo ông, chóe là nét văn hóa đặc biệt trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Vào các buôn làng, bước lên những ngôi nhà sàn, những chiếc chóe được xếp thành hàng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ sẽ là vật được thấy đầu tiên. Nó như là một loại tài sản quý thể hiện sự giàu có của chủ nhà.
"Thời xưa những chiếc chóe này được dùng để đền khi có một ai đó làm chết voi hay chết người. Hay chiếc chóe mẹ bồng con có giá trị tương đương với 11 con trâu...", chủ nhân bộ sưu tập hơn 3 vạn hiện vật văn hóa Tây Nguyên nói.
Các hiện vật của ông Tâm được chia thành nhiều nhóm khác nhau gồm các bộ như: săn bắt trên cạn và dưới nước, rèn; lễ hội, nhạc cụ, trang sức, dệt, dụng cụ sản xuất... Bên cạnh đó còn có bộ vật dụng sinh hoạt trong gia đình các dân tộc bản địa Tây Nguyên như gùi, nồi đất... Những hiện vật đều phản ánh đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc của từng địa phương như Xê Đăng, Ba Na (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Ê đê, M' Mông (Đăk Lăk, Đăk Nông), Cơ ho, Mạ, Churu (Lâm Đồng)...
Theo chủ nhân của "bảo tàng" Tây Nguyên thu nhỏ, nếu không biết phong tục tập quán của mỗi dân tộc sẽ không biết hướng sưu tầm. Do đó, với bất cứ hiện vật nào ông đều cất công tìm hiểu rõ nguồn gốc. Nhờ đó, trong bộ sưu tập đồ sộ với hơn 30.000 hiện vật đang lưu giữ, ông Tâm đều nhớ rõ từng chi tiết như: chúng được mang về từ đâu, công dụng và hoàn cảnh sử dụng như thế nào.
Hiện, bộ sưu tập tại gia đình của ông Tâm là nơi tham quan miễn phí của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP Đà Lạt, cho rằng việc tìm hiểu, lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật văn hóa Tây Nguyên của ông Tâm rất đáng quý và hữu ích cho cộng đồng. "Thành phố Đà Lạt đã hai lần phối hợp cùng nhà sưu tập này để đưa các hiện vật văn hóa Tây Nguyên trưng bày cho công chúng", ông Kiệt nói.
Khánh Hương - Phước Tuấn