Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/2 ra khuyến cáo đi lại mới, yêu cầu hầu hết nhân viên rời khỏi đại sứ quán tại Kiev, do "mối đe dọa liên tục về hành động quân sự của Nga". Từ 13/2, đại sứ quán Mỹ ở Kiev dừng tất cả dịch vụ lãnh sự, chỉ duy trì một "đội ngũ nòng cốt" nhằm "tiếp tục nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ để hỗ trợ an ninh, dân chủ và thịnh vượng của Ukraine".
Tuy nhiên, trong đội ngũ nòng cốt đó sẽ không có đại sứ Mỹ tại Ukraine, bởi vị trí này chưa có ai đảm nhiệm kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức đầu năm ngoái.
Tại sao Biden, sau hơn một năm làm Tổng thống, lại chưa thể bổ nhiệm một đại sứ tại Kiev cũng là câu hỏi trung tâm trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Ukraine và Nga.
Cả chính quyền Biden và chính phủ Ukraine đều không có lời giải thích rõ ràng nào cho sự chậm trễ mà theo các nhà ngoại giao sẽ gây ra không ít khó khăn và không thể bào chữa ngay cả trong thời điểm bình thường.
Giới chuyên gia cho rằng hiện diện của một đại sứ chuyên trách có thể giúp làm dịu các mối quan hệ khó xử đã nảy sinh giữa chính quyền Biden và chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, bất chấp việc Ukraine vẫn phụ thuộc rất lớn vào Washington trong nỗ lực răn đe Nga.
Vị trí này thực tế đã bị để trống từ năm 2019, khi tổng thống Donald Trump sa thải đại sứ Marie L. Yovanovitch. Hành động đó được coi là một trong những lý do khiến Trump lần đầu tiên bị quốc hội luận tội với cáo buộc lạm dụng đòn bẩy chính sách đối ngoại của mình đối với Ukraine vì các mục đích chính trị riêng.
Cách đây hai tháng, truyền thông Mỹ đưa tin Biden dự định cử Bridget Brink, một nhà ngoại giao lão luyện đang làm đại sứ ở Slovakia, đến Ukraine đảm nhận vị trí đang bỏ trống. Các quan chức Mỹ không bác bỏ thông tin này.
Mỹ đã gửi hồ sơ của Brink cho Ukraine vào tháng trước để chính phủ nước chủ nhà xem xét và phê duyệt theo thông lệ. Chính quyền Biden dường như rất mong muốn Kiev thông qua hồ sơ của Brink để Thượng viện có thể phê chuẩn chức vụ đại sứ cho bà. Trong chuyến thăm Kiev ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông dự đoán "một đề cử sẽ sớm được đưa ra".
Không rõ vì sao chính phủ Ukraine chưa xác nhận Brink. Dù không có gì lạ khi chính phủ nước chủ nhà muốn dành vài tuần để xem xét một đại sứ tiềm năng, thời gian thực tế thường ngắn hơn như vậy.
Tuần trước, kênh truyền hình 112 Ukraine đưa tin Ngoại trưởng nước này Dmytro Kuleba đã xác nhận chính phủ đang xem xét vị trí của Brink.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá quyết định bổ nhiệm đại sứ ngay giữa cuộc khủng hoảng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Mỹ đã ra lệnh sơ tán hầu hết nhân viên khỏi sứ quán ở Kiev. Nếu một cuộc chiến nổ ra như Mỹ cảnh báo, tân đại sứ Mỹ tại Ukraine sẽ rơi vào tình cảnh nguy hiểm.
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev hiện do đại biện lâm thời Christina Quinn điều hành. Các nhà ngoại giao lão luyện nhận định bà được đánh giá cao ở Bộ Ngoại giao và tại Ukraine, nhưng Quinn vẫn thiếu tầm vóc của một đại sứ, người do Nhà Trắng đề cử và được Thượng viện phê chuẩn.
"Đây là vấn đề về nhận thức", Steven Pifer, đại sứ Mỹ tại Kiev dưới thời Clinton, cho hay. "Người Ukraine đang tự hỏi 'Tại sao chưa có đại sứ Mỹ ở đây?'".
Eric Rubin, chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao Mỹ, cho rằng có một đại sứ sẽ giúp hai bên trao đổi được quan điểm và đưa ra các thông điệp công khai thống nhất hơn.
Những tuần gần đây, các quan chức Ukraine liên tục đưa ra thông điệp mâu thuẫn hoặc không đồng thuận với quan điểm của Mỹ. Họ kêu gọi tránh hoảng loạn, phản bác những cảnh báo từ Washington rằng một chiến dịch tấn công tổng lực từ Nga có thể "sắp xảy ra".
"Việc không có một đại sứ Mỹ tại Ukraine hay thậm chí một người được đề cử làm đại sứ vào thời điểm khủng hoảng là điều đáng lo ngại và đáng tiếc", Rubin nói. "Nhìn chung, không cử đại sứ tới một nước có thể là tín hiệu cho thấy bạn thiếu quan tâm đến họ".
Tổng thống Biden chưa đề cử đại sứ tại hơn 20 nước, nhưng không nơi nào nhạy cảm như Ukraine. Các nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết họ rất hoang mang về lý do ông mất quá nhiều thời gian để quyết định một ứng viên như vậy.
Một số nhà ngoại giao và chuyên gia suy đoán Nhà Trắng không mặn mà với cuộc điều trần tại Thượng viện phê chuẩn ghế đại sứ tại Ukraine, vì nó có thể làm trầm trọng thêm cuộc tranh luận về Dòng chảy phương Bắc 2, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa Nga và Đức mà các thành viên lưỡng đảng đều chỉ trích Tổng thống Biden vì không phản đối quyết liệt hơn.
Đảng Cộng hòa cũng có thể lợi dụng phiên điều trần để lật lại những hoạt động kinh doanh gây tranh cãi trước đây của Hunter Biden, con trai Tổng thống Biden, ở Ukraine.
Cũng không rõ vì sao Ukraine không nhanh chóng phê chuẩn Brink, một quan chức đã có hơn hai thập kỷ làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng được bổ nhiệm làm đại sứ tại hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô khác là Uzbekistan và Gruzia.
Giới chức Ukraine những năm gần đây dường như không hài lòng về các đại sứ Mỹ, bởi họ liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích giới tinh hoa Ukraine về những giao dịch nội gián hay thất bại trong quản trị.
Ukraine dường như cũng chưa quên những năm Trump làm tổng thống. Trump khi đó tận dụng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine làm đòn bẩy gây áp lực buộc Tổng thống Zelensky điều tra mối liên hệ giữa Hunter Biden với một công ty năng lượng Ukraine.
Vào tháng 4/2019, luật sư riêng Rudolph Giuliani đã thuyết phục Trump sa thải Yovanovitch khỏi vị trí đại sứ Mỹ tại Ukraine sau khi bà phản đối Giuliani "đào bới" những thông tin có thể gây bất lợi cho Hunter Biden, dù không tìm ra bằng chứng nào về hành vi sai trái.
David J. Kramer, chuyên gia tại Đại học Quốc tế Florida, cho rằng Ukraine đã phải chịu đựng quá nhiều trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Trump và từng kỳ vọng vào những gì tốt đẹp hơn từ chính quyền Biden. Nhưng đến nay, kỳ vọng đó vẫn chưa biến thành hiện thực.
"Chưa bổ nhiệm đại sứ ở Kiev không chỉ là cách thực hiện chính sách đối ngoại rất tệ, nó còn cho thấy chính quyền Biden thiếu tôn trọng Ukraine, dù là vô tình", Kramer nhấn mạnh. "Trong trường hợp này, chính quyền Biden chỉ có thể tự đổ lỗi cho mình".
Vũ Hoàng (Theo NY Times, WP)