Ngày 19/1, trần phòng bệnh của Bonny biến thành bầu trời đầy sao nhờ hệ thống máy chiếu. Các bạn cùng lớp lần lượt bước vào và đọc thư chia tay. Cuối cùng, một người hóa trang nhân vật trong game tiến đến, nắm tay cô thì thầm: "Hãy cùng nhau du hành đến thế giới tiếp theo".
Bà Carrie Xin, mẹ Bonny, đứng lặng lẽ. Bà đã yêu cầu mọi người không mặc đồ đen, không im lặng, không tổ chức tang lễ. Tất cả là lời tạm biệt của con gái với thế giới theo cách cô bé mong muốn.

Buổi lễ chia tay của Bonney ở Bệnh viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: SixthTone
Lu Guijun, bác sĩ của Bonny, điều chỉnh thuốc để cô bé cảm thấy đỡ đau đớn nhất. Trước buổi chia tay, ông đã gặp các bạn cùng lớp của Bonny và khuyên họ không nên nói về sức mạnh hay sự kiên cường mà chỉ cần chia sẻ những tháng này ở bên cô bé có ý nghĩa thế nào đối với họ.
"Bệnh tật không phải là bài kiểm tra lòng dũng cảm hay quyết tâm", bác sĩ Lu nói. "Kết quả không phụ thuộc vào sự kiên trì mà là tình yêu".
Cái chết vẫn là một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc nhưng đang được giới trẻ "định nghĩa" lại. Họ tổ chức các nghi lễ cá nhân hóa cho người sắp qua đời và người ở lại, khuyến khích cởi mở về cái chết.
Trong một cuộc khảo sát quốc gia, hơn 90% người trẻ cho biết họ không sợ văn hóa tang lễ và gần 80% không tránh chủ đề này trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người cho rằng các nghi lễ cứng nhắc truyền thống không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Ở Thượng Hải, công ty dịch vụ tang lễ Ferryman Funeral Service cho biết 2/3 khách hàng yêu cầu những yếu tố cá nhân hóa như thơ viết tay, tái tạo giọng nói và khuôn mặt bằng AI.
Gao Guqi, người sáng lập Guicong Studio, công ty tổ chức sự kiện ở Bắc Kinh nói lễ tiễn biệt không chỉ để tưởng nhớ người quá cố mà còn để an ủi người ở lại.
Đêm ở Bắc Kinh, sau khi mọi thứ được dọn dẹp, mẹ Bonny gửi tin nhắn đến mọi người: "Con gái tôi nói đây là ngày hạnh phúc nhất trong đời".
Sau khi con gái qua đời, bà mang theo tấm thẻ in hình con gái, chụp ảnh ở công viên, bờ biển, nhà hát opera. "Hôm nay là ngày thứ 7 trong hành trình của Bonny. Chúc con một chuyến đi vui vẻ", bà đăng trên mạng xã hội.

Một người đàn ông rải hoa trong lễ an táng trên biển ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: SixthTone
Trong nhiều thế kỷ, các nghi thức tang lễ ở Trung Quốc được định hình bởi địa vị, tuổi tác và vai trò trong gia đình.
Giáo sư Deng Fen ở Đại học Phục Đán (Thượng Hải) cho rằng các phong tục xưa phức tạp không chỉ để thương tiếc người chết mà còn để tôn vinh cuộc đời họ. Tuy nhiên, ảnh hưởng phương Tây như nghĩa trang công cộng, lễ tưởng niệm và màu đen cho tang lễ đã bắt đầu thay đổi truyền thống.
Tuy nhiên, ông không phủ nhận vai trò của truyền thống, cho rằng những phong tục tồn tại vì chúng giúp tôn vinh cảm xúc, thể hiện sự tôn trọng và an ủi những người ở lại.
Dù các gia đình có thể muốn tang lễ cá nhân hóa, truyền thống vẫn kéo họ trở lại. Ông Shen, giám đốc Ferryman Funeral Service, cho biết các nghi lễ cần sự đồng thuận của người thân và trong những khoảnh khắc đau buồn, đặc biệt là người lớn tuổi, họ thường quay về với truyền thống.
Tuy nhiên, Gen Z Trung Quốc mở lòng hơn về việc tổ chức tang lễ cho chính họ. Một khảo sát cho thấy 65,8% muốn tôn trọng mong muốn của người đã khuất trong khi chỉ 10,3% ủng hộ một lễ tang đơn giản.
Guicong Studio đang bắt đầu dự án tiếp theo: Buổi chia tay với múa đương đại của một vũ công sắp qua đời. Hôm đó cô ấy sẽ lên sân khấu lần cuối.
Ngọc Ngân (Theo Sixth Tone)