Ngành học được mở vào năm 2024 có đầu vào cao hơn từ 20 đến 30 điểm so với các ngành khác của Đại học Quản lý Xã hội Trung Quốc. Chỉ tiêu tuyển sinh khóa đầu là 150 người.
Chen, quê Chiết Giang, đưa ra hai lý do chính. Cô đã xem nhiều video của blogger làm nghề ướp xác và thay đổi cách nhìn về ngành tang lễ. Ngoài ra, ngành này đã có triển vọng tốt giữa thị trường việc làm khắc nghiệt.
Cô xin thực tập môn hỏa táng ở Trung tâm Dịch vụ tang lễ TP Quảng Châu. Nhiều người đã thể hiện sự khen ngợi tầm nhìn xa của Chen.
"Nếu có thể quay lại, tôi cũng sẽ chọn ngành tang lễ để đảm bảo thu nhập ổn định", một người dùng mạng bình luận. "Lựa chọn tốt, ngành này ít cạnh tranh, trả lương hợp lý và công việc rất ổn định".
Ngành tang lễ Trung Quốc đang thiếu 10.000 nhân lực mỗi năm nhưng để xin việc không dễ. Nhân viên được tuyển dụng bởi Cục Quản lý xã hội Quảng Châu, họ đa số là cử nhân, một số có bằng thạc sĩ. Vị trí yêu cầu bằng nghề là tối thiểu.
Zhao Yuceng, giảng viên trường Quản lý thành phố Trùng Khánh, nói tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ chương trình công nghệ và quản lý tang lễ có việc làm gần như 100%. Đồng thời, ngành này cũng đang phát triển nhờ sự gia tăng dân số già.
Nhưng sự kỳ thị vẫn tồn tại.
Lu Xiaoning, 24 tuổi, ở Hàng Châu đã giấu ông bà về công việc của mình. Thế hệ trước xem nghề này là không may mắn. Cô làm việc xa nhà và hiếm khi về. "Tôi có thể đối mặt với sự kỳ thị từ người khác nhưng không thể khiến gia đình chịu sự đựng điều này", cô nói.
Các sinh viên như cô cũng từng bị chế giễu là "nhân viên tử thần" hay "công nhân nhà hỏa táng". Họ thậm chí còn bị tẩy chay trong các bữa ăn tập thể.
Ông Sun Shuren, hiệu trưởng Viện Văn hóa và cuộc sống thuộc Đại học Quản lý Xã hội Trung Quốc, giải thích cái chết là điều kiêng kỵ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Do đó, thế hệ trước thường định kiến với mọi thứ liên quan.
Ông Fan Xiudi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục thuộc Đại học Tongji (Thượng Hải) cho rằng sự kỳ thị đối với ngành tang lễ cũng bắt nguồn từ việc thiếu giáo dục nghề nghiệp vững chắc ở Trung Quốc.
Báo cáo của công ty bảo hiểm nhân thọ SunLife (Anh) cho thấy chi phí trung bình cho đám tang ở Trung Quốc là 5.400 USD chiếm hơn 45% thu nhập trung bình năm. Trong khi đó, chi phí đám tang Mỹ chỉ chiếm 12% so với mức 10% trên toàn cầu.
Đồng thời, nhân viên ngành cũng được hưởng đãi ngộ tốt. Một sinh viên đã tốt nghiệp cho biết họ thường kiếm được 750 USD mỗi tháng. Sinh viên xuất sắc chiếm khoảng 10% có thu nhập 1300 USD. Mỗi ca xử lý xác là 120 USD và ban đêm giá là 150 USD.
Yang Yucheng, người làm việc ở nhà xác Quý Châu 12 năm, nói thu nhập của nhân viên nhà xác và hỏa táng thường cao hơn, dao động 900 USD đến 1.500 USD. Ở thành phố hạng nhất và hạng hai, họ thường kiếm tầm 3.000 USD mỗi tháng, dựa trên mức lương cố định và hiệu suất, thi thể được xử lý.
Ngọc Ngân (Theo Think China)