Tôi thuộc thế hệ đầu 9x, đã ra trường và đi làm hơn chục năm. Công ty đầu tiên tôi xin vào làm hai tháng trước khi tôi chính thức nhận bằng đại học. Tôi đã gắn bó với công ty này trong hơn 5 năm.
Cứ tưởng cả đời sẽ gắn bó với công ty này cho đến khi tôi được thay người quản lý mới. Do không tìm được tiếng nói chung trong công việc nên tôi quyết định xin nghỉ.
Tôi bắt đầu tìm kiếm công việc mới với chiếc CV khiêm tốn "có kinh nghiệm hơn 5 năm làm việc tại công ty A với vị trí B...". Ngày đi phỏng vấn, người quản lý công ty tôi xin việc đọc CV rồi hỏi: "Từ ngày ra trường đến giờ em đi làm ở một công ty đó à, sao gắn bó lâu thế, rồi nguyên nhân gì nghỉ". Cứ ngỡ được khen vì sự trung thành với công ty, chị ấy lại nói: "Làm quá lâu tại một công ty chị thấy tinh thần bị ì đi, em có phải tuýp người an phận không?".
Theo cách nói đó, tôi tự lý giải rằng chị lãnh đạo công ty kia cho rằng gắn bó quá lâu với một công ty không tạo ra sự va vấp và thích nghi trong công việc, mà hàng ngày chỉ đang làm đi làm lại một công việc buồn tẻ, với những người đồng nghiệp đã quen mặt.
Mọi người thường hay phàn nàn về việc Gen Z nhảy việc. Theo số liệu thống kê từ LinkedIn, tỷ lệ "nhảy việc" của Gen Z cao hơn 134% so với trước đại dịch năm 2019. Một nghiên cứu cũng cho thấy Gen Z sẵn sàng và vui vẻ từ bỏ công việc không thỏa mãn, không đem lại đặc quyền mà họ mong muốn, cũng như sẵn sàng nhảy việc mà không có kế hoạch dự phòng.
Dù nhiều người phàn nàn Gen Z hay nhảy việc, nhưng tôi cho rằng điều này đã cho thấy rõ mối quan hệ giữa con người và công việc đang có những thay đổi to lớn theo sự phát triển của thời đại.
Trước hết, cuộc sống ngày nay đã khác xa so với vài chục năm trước. Điều kiện vật chất đã được cải thiện đáng kể, điều đó có nghĩa là môi trường phát triển của thế hệ mới khá khác biệt, họ có nhiều đặc quyền hơn và có cơ hội phát triển hơn.
Đơn cử, thế hệ 6X, 7X, 8X học đại học xong, ra trường phải trầy trật đi xin việc, thậm chí phải bỏ thêm tiền để chạy việc. Trong khi Gen Z bây giờ, chỉ cần ngồi nhà, với chiếc laptop là có thể ung dung nộp CV cho cả chục công ty khác nhau. Đến phỏng vấn cũng có thể thực hiện qua online. Có nghĩa là việc tiếp cận thị trường lao động với Gen Z đang dễ hơn bao giờ hết.
Và điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, chính là cuộc sống của nhiều Gen Z an toàn hơn thế hệ cũ. Dù thất nghiệp nhưng vẫn có thể nhận được đầy đủ sự hỗ trợ vật chất từ gia đình. Bố mẹ của Gen Z là ai? Chính là những người thuộc thế hệ cuối 6X, 7X (cũng có thể là đầu 8X). Họ có vốn tích luỹ tài chính khá, lại có một - hai đứa con nên sẵn sàng tiếp tục chu cấp nếu chúng thất nghiệp vài ba tháng, thậm chí cả năm.
Điều này cũng chẳng có gì sai, khi nhiều người trong chúng ta vẫn luôn tâm niệm "Hy sinh đời bố, củng cố đời con" đó sao?
Theo tôi, Gen Z hay nhảy việc là xu thế tất yếu, chẳng có gì đáng phàn nàn các em ấy. Cùng là người lao động bán sức kiếm tiền, nếu không được thỏa mãn về nơi làm việc, tiền lương... thì có thể xin nghỉ rồi kiếm công ty khác mà làm. Đó cũng là cách cân bằng lại vị thế của người tuyển dụng và người lao động.
Chỉ tội nghiệp cho tôi - những ông chú 9X đời đầu, vì lo sợ quá nhiều lý do khác nhau mà chẳng dám nhảy việc.
Minh Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.