Trong một hội nhóm chia sẻ về công việc trên mạng xã hội, tôi chỉ lướt chừng một chục bài, thì thấy có khoảng 3-4 bài "tố" thái độ làm việc của Gen Z. Những điểm tố cáo đó là: bị sếp mắng là hờn dỗi, nghỉ việc; nhảy việc quá nhiều; không biết cách làm việc; ăn mặc không phù hợp nơi công sở...
Ở bên Mỹ, Gen Z cũng bị đánh giá là có vấn đề: Chia sẻ với tạp chí The Wall Street Journal, một số chủ doanh nghiệp nhận xét, người lao động ở thế hệ Gen Z "thiếu ý thức học hỏi kinh nghiệm thực hành, có thể khiến họ trở nên lười biếng hoặc không biết gì khi hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản trong công việc".
Gen Z, được định nghĩa theo trung tâm nghiên cứu Pew, là những bạn trẻ sinh năm 1997 đến 2012. Có nghĩa là, bạn già nhất của Gen Z năm nay đã 27 tuổi, còn bạn trẻ nhất thì đang học lớp 6.
Tôi thấy nhiều lúc tội nghiệp các em Gen Z, đây có lẽ là thế hệ chịu nhiều điều tiếng nhất trong lịch sử, khi mà các đàn anh, đàn chị trong công ty, văn phòng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, sẵn sàng tố các em dù chỉ là lỗi nhỏ nhất. Và như một làn sóng, Gen Z bị thế hệ đi trước đánh hội đồng từ đông sang tây.
Tôi có vài đứa cháu sinh năm 2000, năm nay 24 tuổi và sẵn sàng đi bán cà phê lề đường kiếm tiền trong lúc thất nghiệp. Tôi cũng có vài đồng nghiệp sinh năm 1990, nay đã 34 tuổi nhưng lười biếng trong công việc, đã vậy còn chơi cờ bạc trên mạng và "báo" nhà số tiền không nhỏ.
Trong khi đó, nếu nghĩ tích cực, các em Gen Z sẵn sàng nhảy việc - điều mà tôi và những người đi trước không dám làm vì không có nhiều cơ hội, lo sợ... đã cho tôi thấy các em trân trọng lao động của mình, không chịu đựng...
Tôi nghĩ, thế hệ nào cũng có người này, người kia, quan trọng là nhìn ra điểm yếu để góp ý và điểm mạnh để phát huy.
Hoàng Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.