Tôi ngoài 30 tuổi, có công việc ổn định với mức lương trung bình. Tuy cuộc sống không quá khó khăn, nhưng so với các đồng nghiệp Gen Z thì tôi đang lép vế.
Không những tôi, mà những đồng nghiệp cùng hoặc lớn hơn tuổi cũng nhận thấy điều này. Một chị đồng nghiệp trung niên trong công ty của tôi có thu nhập không tốt. Chị chia sẻ, để có thêm tiền nuôi con, phải vẫy vùng mọi cách. Công việc đầu tiên nghĩ đến là bán hàng online.
Trên trang Facebook cá nhân của chị, chẳng có gì ngoài bài viết rao bán và hình ảnh những món ăn đặc sản ngoài quê gửi vào. Chị còn tranh thủ bán offline cho các đồng nghiệp tại công ty, làm quen những người làm việc cùng tòa nhà để bán hàng cho họ. Chị còn "đổ bộ" lên hội nhóm chung cư để tiếp cận thêm khách.
"Chị mời rao mỏi tay mới bán được một đơn", chị than với tôi. Rồi chị và tôi cùng tròn xoe mắt, khi một em nhân viên trẻ hơn, thuộc thế hệ Gen Z vô tình khoe chỉ nhờ một video viral trên mạng xã hội, đã được hưởng hoa hồng cả chục triệu nhờ bán hàng tiếp thị liên kết.
Bao lâu nay, tôi nghe nhiều người thế hệ trước bảo Gen Z nào là "làm màu", "sang chảnh", "tiêu tiền" để thể hiện trên mạng xã hội. Nhưng có lẽ, khi biết được nhờ vậy mà các bạn kiếm ra tiền (không quá cực khổ như tôi và chị đồng nghiệp trung niên kia), thì có lẽ cái nhìn sẽ khác.
Thời tôi sinh viên, hầu như công việc làm thêm kiếm tiền chỉ có bưng bê, phục vụ ở quán cơm gần trường. Xe ôm công nghệ được nhiều người đánh giá "linh động" hơn là một khái niệm xa lạ. Chứ đừng nói đến việc sinh viên chỉ cần chăm chút hình ảnh, biết cách sáng tạo thì có thể kiếm được tiền qua mạng.
Rồi tôi để ý, thấy các bạn trẻ xung quanh mình đầu óc nảy số kiếm tiền rất nhạy. Từ làm mẫu chụp ảnh thời trang đến bán hàng online, rồi kiếm tiền từ Youtube, TikTok...
Nguyên nhân của việc này có lẽ xuất phát từ sự khác biệt thế hệ. Sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, Gen Z tiếp cận internet từ sớm, được học hỏi những kiến thức mới mẻ, tư duy cởi mở, dám nghĩ dám làm, thích nghi nhanh chóng với thị trường.
Trong khi đó, thế hệ của tôi lớn lên trong giai đoạn công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ, tư duy còn bị gò bó bởi những định kiến cũ. Chúng tôi thiếu hụt kiến thức và kỹ năng cần thiết để bắt kịp xu hướng kiếm tiền mới của Gen Z.
Góc độ toàn cầu, theo một nghiên cứu, Gen Z kiếm nhiều tiền và tìm việc hiệu quả hơn so với các thế hệ trước. Cách các bạn tiếp cận thị trường lao động cũng khác thế hệ trước vì có nhiều lựa chọn hơn.
Lớp mới xuất hiện có thể làm lớp cũ không hài lòng vì ít nhiều có sự xung đột. Nhưng chúng ta thường nói, "sóng sau xô sóng trước". Vậy, thực sự đã công bằng chưa, khi nhiều người chỉ nói về mặt hạn chế, mà không động viên, thậm chí học hỏi những cái mới của Gen Z?
Đức Nguyễn