Sáng nay, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng và dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Khu vực dịch vụ, xuất khẩu tăng cao theo xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu dùng thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực này là 6,64%, cao hơn mức tăng 1,18% và 5,06% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Còn lại, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, giá trị tăng thêm 3,15% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (13,44 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại là 368,53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 14,5-17% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.
Nửa đầu năm, 119.600 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường, trung bình 19.900 đơn vị mỗi tháng. Trong khi đó, khoảng 110.300 doanh nghiệp rút lui, tức bình quân 18.400 đơn vị, giảm so với bình quân 5 tháng và 4 tháng đầu năm.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cũng cho thấy số doanh nghiệp lạc quan chiếm 37,4% Số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt hơn trong quý III dự kiến tăng lên 40,7%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho biết sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi rõ nét trong quý II, thể hiện ở chỉ số tháng, quý sau cao hơn tháng, quý trước.
"Năm nay không còn thiếu điện, đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu dùng dù nhu cầu cao", bà Nga nói, thêm rằng tốc độ tiêu thụ tăng cao hơn sản xuất cũng giúp giảm tổn kho, là tín hiệu tích cực cho sản xuất công nghiệp.
Song, theo bà Nga, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nhất định. Chỉ số sản xuất tăng khá trên nền giảm của năm ngoái, mức tăng cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 2021-2022 và các năm trước dịch. Trong đó, ngành khai khoáng tiếp đà giảm trong nhiều năm trở lại đây. Một số ngành tín hiệu phục hồi chưa rõ nét như sản xuất xi măng, bia, ôtô xe máy.
Bà Nga dẫn kết quả khảo sát trên 30.000 doanh nghiệp cho thấy, điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất - kinh doanh của họ là thị trường đầu ra đến từ cầu trong nước yếu. Tiếp đó, doanh nghiệp còn gặp khó do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, vốn, lãi suất giảm nhưng vẫn cao.
Một số ngành như dệt may, điện tử đều gặp khó khăn là do đơn hàng xuất khẩu thấp, thiếu lao động tay nghề, có kĩ năng. Nhu cầu tiêu dùng giảm cũng tác động tới ngành sản xuất xi măng hay chế biến thực phẩm.
Theo bà Nga, các kiến nghị của doanh nghiệp tập trung liên quan tới thị trường đầu ra, vốn, lao động, nguyên vật liệu. Trong đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục có biện pháp kích cầu, tăng xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt. Họ cũng mong muốn giảm lãi suất cho vay, đơn giảm thủ tục, điều kiện vay vốn. Chính phủ cũng cần có chính sách ổn định giá đầu vào, điều chỉnh thuế, phí, các khoản nộp ngân sách phù hợp.
Phương Dung - Tất Đạt