Sáng nay, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Xét trong giai đoạn 2011-2023, kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%.
Lực đỡ cho nền kinh tế hiện nằm ở khu vực dịch vụ. Nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Còn lại, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Giá trị tăng thêm của toàn ngành này 6 tháng qua tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất của cùng kỳ nếu xét cả giai đoạn 2011-2023.
6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD với tổng kim ngạch thương mại là 316,65 tỷ USD nhưng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh 12-15% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm nằm trong xu hướng chung khi tổng cầu thế giới suy giảm. Số liệu cho thấy, đến tháng 4/2023, 13 trên 16 quốc gia có quy mô thương mại lớn trên toàn cầu giảm xuất khẩu, 12 trên 16 nước giảm nhập khẩu.
"Việt Nam có sụt giảm xuất nhập khẩu liên tiếp trong hai quý, trong đó, quý II mạnh hơn quý I", ông nói. Việc giảm nhập khẩu các hàng hóa như máy móc thiết bị, nguyên liệu cũng cho thấy cầu sản xuất trong nước đang có dấu hiệu không tích cực.
Dù vậy, ông đánh giá tổng mức kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng hơn 316 tỷ USD vẫn cho thấy một số tín hiệu khả quan, tương đương quy mô của năm 2021.
"Trong bối cảnh kinh tế suy giảm chung, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn dương với mức xuất siêu 12,25 tỷ USD đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế", ông nói. Tới đây, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, xuất nhập khẩu có thể đối mặt với nhiều tác động bất lợi khi tổng cầu thế giới chưa phục hồi, các diễn biến xung đột địa chính trị khó đoán định.
Nửa đầu năm, 113.600 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường, trung bình 19.000 đơn vị mỗi tháng. Trong khi đó, khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui, tức bình quân 16.600 đơn vị, giảm so với bình quân 5 tháng và 4 tháng đầu năm.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cũng cho thấy số doanh nghiệp lạc quan tăng hơn so với quý I. Số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt hơn trong quý III dự kiến cũng tăng lên.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước do giá thực phẩm, chi phí dùng điện sinh hoạt tăng vì nắng nóng kéo dài và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Còn lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung.
Đức Minh - Tất Đạt