Công bố số liệu sáng 29/12 của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022.
Như vậy, GDP năm nay tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá mức tăng trưởng kinh tế 5,05% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp. "Chúng ta có thể thấy nỗ lực của Việt Nam qua việc tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", bà nói.
Với đà tăng trưởng này, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 430 tỷ USD đến cuối 2023. GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế khoảng 8.380 USD một lao động, tăng 274 USD.
Về lạm phát, CPI bình quân quý IV tăng 3,54% so với quý trước. Tính chung, CPI năm nay tăng 3,25% so với cùng kỳ 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4,5%).
Dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, trên 62%. Theo Tổng cục Thống kê, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào đà đi lên của dịch vụ. Nhờ đó, giá trị tăng thêm khu vực này vượt 6,82% so với năm trước, và cao hơn các năm 2020-2021.
Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ đạt 3,02%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% - mức thấp nhất 13 năm.
Xuất nhập khẩu giảm 6,6% so với năm ngoái nhưng là kết quả của nhiều nỗ lực mở rộng thị trường mới, xúc tiến thương mại trong bối cảnh cầu thế giới giảm sâu, đạt 693 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD.
Phát biểu trước đó tại hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều 27/12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, GDP cả năm ước tăng khoảng 5%, trong bối cảnh kinh tế chịu tác động chưa từng có từ bên ngoài và những vấn đề nội tại. Chính phủ thời gian qua liên tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.