Sáng 12/2, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025.
Theo đó, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay từ 8% trở lên. Mức này cao hơn kế hoạch Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp cuối năm ngoái khoảng 1-1,5% và 1 điểm phần trăm so với thực hiện 2024 (7,09%).
![Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025, sáng 12/2. Ảnh: Hoàng Phong](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/12/Nguyen-Chi-Dung-12-2-Hoang-Pho-8671-5326-1739329718.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ygue_a6JS1-UuST89ehPUg)
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025, sáng 12/2. Ảnh: Hoàng Phong
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD. Cùng với đó, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Mức này cao hơn 300 USD một người so với năm ngoái và gấp đôi thu nhập năm 2015.
Chỉ số GDP bình quân đầu người là chỉ tiêu dùng để so sánh, đánh giá trình độ phát triển kinh tế, mức sống dân cư của một quốc gia.
Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024. Công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Theo tính toán của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, tương đương 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 (790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI 28 tỷ USD và đầu tư khác là 14 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) năm nay tăng 12% trở lên.
Bội chi ngân sách năm nay được Quốc hội quyết nghị cuối 2024 là 3,8% GDP. Bộ trưởng Dũng cho biết Chính phủ muốn được điều chỉnh tỷ lệ này lên khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).
Loạt giải pháp được Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay, gồm hoàn thiện thể chế, giải ngân 95% tổng mức vốn đầu tư công được giao (khoảng 890.000 tỷ đồng) để đưa nhiều dự án hạ tầng quan trọng hoàn thành năm nay. Chẳng hạn, 2025 sẽ đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu...
Năm nay, các cấp ngành tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên và dùng nguồn tăng thu ngân sách 2024 cho đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
![Các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 12/2. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/12/cac-DBQH-du-ky-hop-bat-thuong-2313-3806-1739329718.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zl8nsp89wrD1ldGjA2VTGA)
Các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 12/2. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng tình cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ (2021-2025).
Tuy nhiên, ông lưu ý tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Ở bên ngoài, các yếu tố bất định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, thu hút vốn FDI.
Trong nước, đầu tư tư nhân phục hồi nhưng vẫn còn thấp so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Điều này thể hiện qua sản xuất, kinh doanh đầu năm nay chưa khởi sắc, khi tháng đầu năm có khoảng 58.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ, còn nhà quản trị mua hàng PMI dưới 50 điểm trong hai tháng liên tiếp.
"Các chỉ số này cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp", ông Thanh nói, đề nghị Chính phủ đánh giá các điều kiện để đảm bảo khả thi việc đặt mục tiêu GDP vượt 8% năm nay, nhất là các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025, sáng 12/2. Ảnh: Hoàng Phong](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/12/Vu-Hong-Thanh-1739325969-1153-1739329718.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kRwtXefiwIWV_yI6xaJDwg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025, sáng 12/2. Ảnh: Hoàng Phong
Về chỉ tiêu CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh là cần thiết nhằm tạo không gian điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô, đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Năm ngoái, CPI tăng 3,63% nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu neo giá ở mức cao. Chẳng hạn, lương thực tăng 12,2%, dịch vụ y tế 9%, dịch vụ giáo dục 5,7%... Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của các mặt hàng thiết yếu.
Liên quan bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế muốn Chính phủ làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh. "Việc dùng nguồn lực cần đúng quy định về ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, nhất là nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.
Trước rủi ro thuế quan của các đối tác lớn, cơ quan thẩm tra đề nghị Việt Nam cần khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, mở thêm thị trường mới, ngách và minh bạch chuỗi giá trị hàng xuất khẩu để giảm thiểu nguy cơ bị áp thuế. Nhà điều hành cũng cần có kịch bản khai thác sự dịch chuyển thương mại, công nghệ và chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.
Đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, với số vốn phân bổ gần 890.000 tỷ đồng, nhưng giải ngân vốn công là khâu yếu kéo dài nhiều năm. Chưa kể, năm nay nhiều dự án trọng điểm hoàn thành, chuẩn bị đầu tư nên ông Thanh cho rằng "giải pháp thúc đẩy giải ngân phải thực chất để thu đầu tư xã hội".
Anh Minh