Hiệp ước Thượng tầng Không gian được 107 quốc gia ký năm 1967 nghiêm cấm việc triển khai hay sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học, hoặc hóa học từ quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, các nước đã không lường trước được loại vũ khí giản đơn nhất từng có của không quân Mỹ: một thanh vonfram có thể tấn công cả thành phố với sức hủy diệt tương đương tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, theo Business Insider.
Đây là loại vũ khí đặc biệt mang tên Dự án Thor được không quân Mỹ ấp ủ từ cuối thập niên 1950. Tiền thân của nó là loại bom không chứa thuốc nổ, được làm từ thép đặc thả từ máy bay. Khi được thả từ độ cao gần 1000 m, những thanh thép này có thể đạt vận tốc lên tới 800 km/h khi chạm đất và có khả năng xuyên thủng lớp bê tông dày 23 cm.
Ý tưởng này tương tự bắn một viên đạn vào mục tiêu, nhưng thay vì giảm tốc do ma sát và trọng lực, thanh thép tăng dần tốc độ và năng lượng trong quá trình hướng tới mục tiêu.
Trong Dự án Thor, thay vì thả hàng trăm thanh thép nhỏ từ độ cao hàng nghìn mét, quân đội Mỹ lên ý tưởng sử dụng những thanh thép lớn gắn trên vệ tinh, sau đó thả chúng từ khoảng cách hàng nghìn km trên quỹ đạo Trái Đất xuống mục tiêu.
Vũ khí được mệnh danh "Gậy tầm sét của Chúa" này là các thanh vonfram hình trụ dài khoảng 6 mét và có đường kính 60 cm, rơi tự do từ quỹ đạo Trái Đất và đạt vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh khi chạm đất.
Với vận tốc và động năng như vậy, "gậy tầm sét" sẽ xuyên qua hàng trăm mét trong lòng đất và phá hủy bất kỳ boongke kiên cố hay các cơ sở ngầm bí mật nào. Sức công phá của nó tương đương một quả bom nguyên tử xuyên mặt đất nhưng không gây ra bụi phóng xạ. Vũ khí này có thể phá hủy hoàn toàn mục tiêu trong vòng 15 phút.
Ý tưởng về "Gậy tầm sét của Chúa" rất hấp dẫn đối với quân đội Mỹ, nhưng chi phí để thực hiện dự án lại là chuyện khác. Một chuyên gia làm việc trong ngành quốc phòng vũ trụ Mỹ ước tính chi phí để đưa 0,5 kg vật chất lên vũ trụ thời kỳ đó ít nhất là 10.000 USD. Số tiền để đưa một thanh "Gậy tầm sét" bằng vonfram đặc nặng hơn 10 tấn lên quỹ đạo sẽ lên tới 230 triệu USD, con số ngoài sức tưởng tượng trong thời Chiến tranh Lạnh.
Để so sánh, chi phí cho một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Minuteman III, một trong những loại tên lửa tốt nhất trong biên chế quân đội Mỹ, là 7 triệu USD khi được sản xuất vào năm 1962, tương đương 57 triệu USD hiện nay.
Quy trình khai hỏa tên lửa Minuteman III của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề của đầu đạn hạt nhân là nó không được thiết kế để xuyên sâu vào lòng đất, trong khi bụi phóng xạ từ vụ nổ có thể tàn phá nặng nề môi trường xung quanh, kể cả lãnh thổ của các nước đồng minh.
Bởi vậy, ý tưởng về "Gậy tầm sét của Chúa" chưa bao giờ bị quân đội Mỹ từ bỏ hoàn toàn. Chính quyền tổng thống Bush từng cân nhắc sử dụng lại loại vũ khí này để tấn công các cơ sở hạt nhân dưới mặt đất của những nước bị coi là "tài trợ cho khủng bố" sau vụ 11/9.
Năm 2013, quân đội Mỹ đã phóng thử thành công một đầu đạn động năng làm từ vonfram trên một đường thử đặc biệt ở căn cứ Holloman, với quả đạn đạt vận tốc hơn gấp ba lần vận tốc âm thanh.
Gần đây, Lầu Năm Góc cũng thử nghiệm các loại pháo điện từ bắn ra những đầu đạn đặc biệt không chứa thuốc nổ, có thể đạt tới vận tốc gấp 6 lần vận tốc âm thanh để phá hủy mục tiêu bằng động năng cực lớn.
Điểm cốt lõi trong ý tưởng về những loại vũ khí siêu thanh tương tự Dự án Thor là chúng cực kỳ hiệu quả và có thể trở thành vũ khí chủ đạo của chiến trường tương lai, giới phân tích quân sự nhận định.
Xuân Hùng