Trước buổi hòa nhạc Platinum Jubilee bên ngoài cung điện Buckingham hôm 4/6, ban tổ chức chiếu đoạn video Nữ hoàng Elizabeth dùng trà chiều cùng Gấu Paddington. Nhân vật tiết lộ luôn giấu trong mũ món tráng miệng khoái khẩu: bánh mì kẹp mứt cam. "Ta cũng như ngươi. Ta giấu bánh trong đây", Nữ hoàng hóm hỉnh đáp lời, lôi một chiếc bánh từ trong túi xách ra khoe với chú. Khi nghe tiếng nhạc từ ngoài cung điện vọng vào, Nữ hoàng lấy thìa gõ vào tách theo nhịp điệu ca khúc We Will Rock You. Gấu Paddington bắt chước hành động của bà.
Gấu Paddington là nhân vật hư cấu có tuổi đời 64 năm, được ví von là "bảo vật quốc gia" của người Anh. Chú xuất hiện lần đầu năm 1958 trong cuốn sách thiếu nhi A Bear Called Paddington (Một chú gấu tên gọi Paddington) của Michael Bond, Peggy Fortnum và một số họa sĩ khác vẽ minh họa.
Theo tờ USA Today, ý tưởng viết câu chuyện về loài vật này đến với Bond một cách ngẫu nhiên. Đêm Giáng sinh năm 1956, trên đường trở về nhà, ông chợt nhìn thấy một con gấu đồ chơi trong cửa hàng và quyết định mua tặng vợ. Ông gọi nó là Paddington theo tên trạm xe lửa gần đó. Tác giả nghĩ đến câu chuyện về chú gấu không có người đi cùng, đến ga tìm nơi nương náu.
Trong câu chuyện của Michael Bond, Paddington sinh ra ở Peru, mất bố mẹ sau một trận động đất, được dì Lucy nuôi dưỡng. Khi dì cậu lớn tuổi, chuyển đến sống ở viện dưỡng lão gấu, bà dạy tiếng Anh cho cháu, gửi cậu đến nước Anh bằng đường biển. Ban đầu, nhà văn dự định để chú xuất thân từ châu Phi, nhưng sau đó phải chuyển sang Nam Mỹ vì vùng "lục địa đen" không có gấu. Nguyên mẫu của Paddington là loài gấu mặt ngắn Andes.
Chú được nhân cách hóa, đội chiếc mũ đỏ cũ kỹ, mang một vali chứa đủ những thứ đồ lỉnh kỉnh. Trên chiếc áo khoác vải thô của chú đính kèm dòng chữ: "Xin hãy chăm sóc chú gấu này". Tác giả nói ký ức về những đứa trẻ sơ tán khỏi London trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, với những mẩu giấy nhắn dán trên đồ đạc, tạo cảm hứng cho ông sáng tạo chi tiết này. Paddington lịch sự, tốt bụng, luôn xưng hô kiểu cách với mọi người, đặc biệt yêu thích mứt cam. Gấu được gia đình Brown nhận nuôi, có cuộc sống mới. Chú thường xuyên vướng vào nhiều rắc rối nhưng luôn nỗ lực vượt khó. Qua câu chuyện về Paddington, Bond gửi gắm những ký ức của ông về chiến tranh, những người tản cư, tị nạn.
Gấu Paddington là nhân vật có tính biểu tượng và sức ảnh hưởng trong văn hóa Anh. Chú xuất hiện trong hơn 20 đầu sách của Michael Bond, được dịch ra 30 thứ tiếng, bán hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới. Trang The Conversation nhận xét nhân vật kết hợp nhiều tính cách đặc trưng của trẻ em: tò mò, hoạt bát và khôn ngoan. Vẻ ngoài đơn thuần, đáng yêu nhưng nội tâm Paddington rất phức tạp. Cậu khao khát chín chắn, trưởng thành nhưng vẫn muốn có tuổi thơ thuần túy như những đứa trẻ khác. Cậu giống như một khách du lịch, ngạc nhiên trước quang cảnh London thời hậu chiến, đồng thời mong muốn hòa nhập xã hội mới. Những trải nghiệm của gấu phần nào phản ánh thói quen, văn hóa thường nhật của người dân xứ sương mù.
Ngoài bộ phim hoạt hình ba phần The Adventures of Paddington Bear, câu chuyện về chú được chuyển thể thành hai phần phim điện ảnh năm 2014 và 2017, đạt tổng doanh thu phòng vé hơn 500 triệu USD. Năm 2018, Google đổi Doodle kỷ niệm 50 năm Gấu Paddington ra đời. Chú còn xuất hiện trên nhiều quảng cáo, tem thư, các món quà lưu niệm. Sản phẩm gấu bông Paddington có lịch sử 50 năm, với hàng trăm mẫu mã. Ở London, du khách có thể tìm thấy hơn 50 tượng gấu quanh khu vực nhà ga Paddington.
Nhiều triển lãm liên quan nhân vật từng được tổ chức, nổi bật là sự kiện năm 2017 ở Bảo tàng London, năm 2021 ở Thư viện Anh. Ban tổ chức trưng bày những ấn bản sách đầu tiên, một số đạo cụ của êkíp phim điện ảnh, những phiên bản gấu bông Paddington đầu tiên, chiếc máy đánh chữ mà Michael Bond tạo ra nhân vật.
Hà Thu (theo USA Today, The Conversation)