Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 3/8/2016, 17:24 (GMT+7)

Gấu ngựa được cứu hộ sau hơn một thập kỷ trong lồng sắt

Sau 11 năm nuôi nhốt trong điều kiện bị tổn thương về sức khỏe, gấu ngựa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đưa về chăm sóc ở trung tâm cứu hộ với điều kiện tốt nhất.

Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) ngày 2/8 cứu hộ thành công con gấu ngựa do Công ty cổ phần du lịch Đam B’ri ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, tự nguyện chuyển giao vì không đủ điều kiện chăm sóc.

Gấu ngựa tên Bảo Lâm có ý nghĩa là bảo vệ rừng, được công ty nuôi nhốt từ năm 2009 tại khu du lịch sinh thải Đam B'Bri. Năm 2005 nó được nuôi và gắn chíp đăng ký tại một hộ dân ở TP HCM khi là gấu con, với cân nặng 25 kg.

Bảo Lâm được nuôi nhốt tại khuôn viên của khu du lịch. Khu này có thời điểm từng nuôi 20 con gấu cùng nhiều động vật hoang dã khác để lập sở thú, nhưng kế hoạch không thực hiện được. Nhiều động vật nuôi chết dần và Bảo Lâm nằm trong số ít sống sót.

Năm 2015, Công ty cổ phần du lịch Đam B'ri đã chuyển giao một gấu chó về Vườn quốc gia Cát Tiên, còn gấu ngựa Bảo Lâm không có nơi tiếp nhận cho đến khi Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng liên lạc với Tổ chức Động vật châu Á.

Điều kiện chuồng hẹp, không thể chuyển lồng trực tiếp, phương án đưa gấu ra ngoài được các chuyên gia thực hiện là gây mê. Tại thời điểm này, gấu nặng khoảng 110 kg và cao 1,6 m.

Bác sĩ thú y Mandala và y tá Richard đảm nhiệm gây mê và khám lâm sàng cho Bảo Lâm.

Kiểm tra cho thấy, gấu ngựa yếu, tất cả bàn chân tay đều sừng hóa, nứt nẻ. Nó không thể đứng vững bởi khớp hai chi trước bị cứng, mắt trái bị đục thủy tinh thể và 3 cái răng bị vỡ. Các bác sĩ cũng khám thận, gan và túi mật, rất may không có vấn đề nghiêm trọng.

Bác sĩ thú y Mandala Hunter cho biết, vì gấu bị mất nước và chịu nhiều đau đớn nên các bác sĩ quyết định truyền nước cho gấu và điều trị giảm đau, trước khi di chuyển về Trung tâm cứu hộ ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Gấu Bảo Lâm được đưa lên ôtô của đoàn cứu hộ. Nó sẽ di chuyển hơn 1.500 km trong 4 ngày để về đến Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam. "Chúng tôi sẽ chăm sóc tốt nhất cho Bảo Lâm ở mọi khía cạnh, nhất là thú y cũng như dinh dưỡng để nó nhanh hồi phục sức khỏe và tận hưởng cuộc sống ngoài khu bán tự nhiên của gấu tại Vườn quốc gia Tam Đảo", tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam nói.

Bữa ăn đầu tiên sau khi được cứu hộ của gấu gồm dưa hấu, khoai lang, cà rốt, cà chua, táo... Bảo Lâm là cá thể gấu thứ 163 được Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ tại Việt Nam.

Tổ chức động vật châu Á đã đề nghị với Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng vận động các chủ nuôi chuyển giao 9 cá thể gấu khác trên địa bàn tỉnh, đưa về chăm sóc tại các khu bán tự nhiên của Trung tâm cứu hộ.

Do bị thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, nên số lượng loài này ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. 

Phạm Hương
Ảnh do Tổ chức động vật châu Á cung cấp