Pha của Mặt trăng (còn gọi là tuần Trăng) là sự xuất hiện của phần bề mặt Mặt trăng được chiếu sáng bởi Mặt trời khi quan sát từ Trái đất. Các pha của Mặt trăng thay đổi một cách tuần hoàn khi Mặt trăng quay quanh Trái đất, tùy thuộc vào sự thay đổi vị trí tương đối của ba thiên thể Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời.
Một nửa bề mặt của Mặt Trăng luôn được chiếu sáng bởi Mặt trời (ngoại trừ lúc nguyệt thực), và tỷ lệ bán cầu được chiếu sáng khi quan sát từ Trái đất thay đổi từ 0% (trăng non) đến 100% (trăng tròn).
Chu kỳ quay của Mặt trăng quanh Trái đất là khoảng 27,32 ngày. Do hệ Trái đất – Mặt trăng quay quanh Mặt trời nên tính đến vị trị tương đối của ba vật thể đó thì chu kỳ giao hội của Mặt trăng quay quanh Trái đất là khoảng 29,53 ngày, gọi là tháng giao hội, chu kỳ pha của Mặt trăng và cũng là thời gian trung bình của một tháng âm lịch.
Pha Mặt trăng bắt đầu từ mồng 1 (âm lịch), Mặt trăng nằm giữa Trái đất và Mặt trời, là pha trăng non (hay không trăng). Khi nhìn Bắc cực của Trái Đất theo phương trục quay, từ ngoài không gian, chiều tự quay của Mặt trăng, Trái đất, chiều quay của Mặt trăng quanh Trái đất và của Trái đất quanh Mặt trời đều có chiều ngược chiều kim đồng hồ.
Do đó, những ngày tiếp theo có thể nhìn thấy Mặt trăng mọc khi Mặt trời lặn. Sau mỗi ngày Mặt trăng mọc muộn hơn khoảng 50 phút (vì Trái đất tự quay và Mặt trăng quay quanh Trái đất cùng chiều nên vị trí biểu kiến của Mặt trăng sẽ lặp lại như cũ sau khoảng 1 ngày 50 phút).
Như vậy, trăng mọc và lặn muộn dần về đêm. Pha của Mặt trăng lúc này là trăng khuyết (lưỡi liềm -> bán nguyệt -> gần tròn), do hướng quan sát ngược nhau nên ở bán cầu Bắc sẽ thấy phần sáng của Mặt trăng ở bên phải (phần khuyết bên trái), còn ở Nam bán cầu thấy phần sáng ở bên trái (phần khuyết bên phải).
Vào khoảng ngày Rằm (15-16 âm lịch), Trái đất nằm giữa Mặt trăng và Mặt trời, là pha trăng tròn, trăng xuất hiện suốt đêm trên bầu trời. Kết thúc nửa chu kỳ đầu của pha Mặt trăng.
Ngược lại trong nửa chu kỳ sau (từ ngày Rằm -> cuối tháng âm lịch), trăng thường xuất hiện từ nửa đêm đến sáng sớm, trăng khuyết dần (gần tròn -> bán nguyệt -> lưỡi liềm). Ở Bắc bán cầu nhìn thấy phần sáng của Mặt trăng ở bên trái, ở nam bán cầu nhìn thấy ở bên phải.
Mặt trăng có suất phản chiếu thấp khác thường, gần tương đương nhựa đường. Mặc dù vậy ở pha trăng tròn, Mặt trăng là vật thể sáng thứ hai trên bầu trời sau Mặt trời, một phần do sự tăng cường ánh sáng phản xạ ở góc hướng về phía Mặt trời bởi hiệu ứng xung đối.
Hiệu ứng xung đối, một đặc tính phản xạ của đất xốp và bề mặt gồ ghề, làm cho Mặt trăng tại pha bán nguyệt chỉ sáng bằng khoảng một phần mười trăng tròn chứ không phải một nửa, và phần ngoài rìa trăng tròn sáng gần bằng ở tâm, tức là không có hiệu ứng rìa tối.
Câu 2: 'Gấu ăn trăng', 'Mặt trăng máu' là nói đến hiện tượng nào?