Tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 5/6, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, thông tin dự kiến toàn thành phố có 80.000 thí sinh dự thi, tăng gần 2.000 so với năm ngoái. Thành phố đã lên kế hoạch bố trí hơn 3.300 phòng thi và huy động 8.700 cán bộ, giáo viên coi thi, 1.300 cán bộ phục vụ.
"Năm nay, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện ở kỳ thi nên chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng", ông Quý nói và cho biết Hà Nội chuẩn bị thành lập ban chỉ đạo thi, xây dựng kế hoạch chi tiết theo quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường vẫn tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12 theo chương trình tinh giản và bám sát cấu trúc đề tham khảo Bộ công bố hôm 7/5.
Quảng Nam năm nay có gần 18.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết đã lên kế hoạch huy động hơn 3.000 cán bộ phục vụ, bố trí 770 phòng thi ở 55 điểm thi.
"Quảng Nam có 18 đơn vị cấp huyện thì tới 9 huyện là miền núi, trung du nên việc bố trí điểm thi rất quan trọng. Chúng tôi phải tính toán đến cả những ảnh hưởng của thời tiết bởi tháng 8 có thể xảy ra nhiều lũ quét, mưa lớn", ông Quốc nói và cho biết địa phương sẽ đưa ra những phương án để học sinh đến điểm thi an toàn, kỳ thi diễn ra thuận lợi.
Về các khâu trong tổ chức kỳ thi, ông Quốc hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác thanh tra. Do năm nay thanh tra ba cấp (Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo) và sẽ thanh tra toàn bộ khâu của kỳ thi, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể để tránh chồng chéo.
Đăk Lăk cũng đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện, tỉnh chỉ đạo các nhà trường dạy học không cắt xén chương trình, tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến nhằm ôn luyện, hệ thống lại kiến thức cho học sinh.
Giống như Quảng Nam, tỉnh này cũng lo ngại thời tiết bất thường trong mấy ngày thi. Tỉnh đã bố trí các điểm thi dự phòng và lực lượng hỗ trợ học sinh ở vùng có khả năng ngập sâu, lũ quét để đảm bảo an toàn. "Trách nhiệm trong công tác tổ chức thi với địa phương là rất lớn. Chúng tôi đã lường trước những vấn đề về thời tiết hay tiêu cực có thể xảy ra nên thời gian tới sẽ tổ chức tập huấn nghiêm túc", đại diện tỉnh Đăk Lăk nhấn mạnh.
TP HCM năm nay có khoảng 80.000 thí sinh dự thi. Thành phố dự kiến bố trí 115 điểm thi, tạo điều kiện cho các em trong việc di chuyển. Địa phương này cũng lên kế hoạch chi tiết về công tác bảo quản đề thi, bài thi, trong đó đề thi sẽ được giao, nhận hàng ngay chứ không lưu lại ở địa điểm thi. Cán bộ chấm thi được chia thành hai nhóm, tổ chức chấm chéo, tránh trường hợp giáo viên chấm đúng bài của học sinh trường mình.
Để kỳ thi an toàn, nghiêm túc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chú ý đến khâu ra đề thi. Với đề thi, nội dung cần có sự phân hóa tốt. Về hình thức, Bộ cần tính toán thiết kế cho phù hợp, tránh như những năm trước đề thi sang tráng thứ 5 chỉ vài dòng khiến việc in sao dễ gặp vấn đề, thí sinh cũng dễ bị bỏ sót nội dung.
Về chấm thi, do năm nay giảng viên đại học không tham gia, vì vậy ông Hiếu đề nghị Bộ có quy định rõ khâu giám sát của công an, đảm bảo quá trình chấm thi được giám sát liên tục
Do kỳ thi diễn ra vào ngày 9-10/8, muộn hơn khoảng 1,5 tháng so với mọi năm, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM mong Bộ quan tâm đến việc bố trí niên chế năm học, đảm bảo kết thúc việc chấm thi phúc khảo trước khi bước vào năm học mới, bởi việc chấm thi diễn ra tại một trường THPT và cán bộ chấm thi cũng là giáo viên phổ thông.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng các địa phương cần gấp rút thực hiện một số công việc trong hai tháng còn lại. Đầu tiên, các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nhà trường dạy học, ôn tập theo chương trình, hướng dẫn của Bộ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi. Do đó, việc ôn tập cần có sự điều chỉnh, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực. Các nhà trường cần kiểm soát việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định.
Về chuẩn bị trước khi tổ chức kỳ thi, các địa phương phải sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên. "Việc tham gia Ban chỉ đạo cần tránh mang tính hình thức, phân công công việc chung chung rồi thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến những rủi ro lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việc thành lập hội đồng thi và các ban, tiểu ban phục vụ kỳ thi cũng phải rõ chức năng, nhiệm vụ. Các nhân sự tham gia phải được tập huấn kỹ lưỡng. Ông Nhạ yêu cầu việc chọn người tham gia tổ chức kỳ thi phải được đặt lên hàng đầu, chú ý chọn cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt.
Về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, ông Nhạ đề nghị các địa phương lưu ý lắp đặt camera theo quy định; tránh hiện tượng có camera nhưng không hoạt động hoặc trục trặc. Với một số vùng miền núi hay xảy ra mưa lũ, địa phương cần có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn cho điểm thi, hỗ trợ thí sinh đến dự kỳ thi an toàn.
Năm nay, công tác chấm thi hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận. Bộ trưởng lưu ý phải nghiên cứu thật kỹ quy định và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong hai ngày 9-10/8. Thí sinh làm ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Kết quả thi sẽ dùng để xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở điều chỉnh chương trình dạy và học phổ thông và xét tuyển đại học.