Dạy một lớp 11 và hai lớp 12, lại chủ nhiệm một lớp 12, thầy Nguyễn Xuân Hoa, giáo viên Toán trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) kín lịch trong tuần đầu tiên học sinh đi học trở lại. Để chuẩn bị ôn tập cho học sinh cuối cấp trong ba tháng tới, thầy Hoa vạch ra những việc phải làm.
Từ khi nghỉ học phòng Covid-19 vào đầu tháng 2, trường tổ chức dạy online nghiêm túc, học sinh được tiếp thu kiến thức mới theo đúng chương trình. Tuy nhiên, theo thầy Hoa, việc dạy học online chuyên nghiệp tới đâu cũng không thể đảm bảo hiệu quả bởi phụ thuộc vào ý thức từng em.
"Những ngày tới, tôi sẽ phải rà soát kiến thức học sinh đã học trực tuyến và học trên truyền hình, từ đó có kế hoạch ôn tập bổ sung. Với những em dự định thi trường top cao hay trường có kỳ thi riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi phải dạy nâng cao hơn", thầy Hoa nói.
Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu đang tăng số tiết học đối với các môn thi tốt nghiệp THPT. Việc tách mỗi lớp làm hai khiến giáo viên vất vả hơn nhưng thầy Hoa cho rằng đó cũng là điểm thuận lợi để tiếp cận từng học sinh, lấp được khoảng trống kiến thức trong quá trình học online.
Điều khiến thầy giáo lo ngại nhất là tiết trời nắng nóng và tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thầy chưa thể ôn kỹ cho học sinh những dạng bài xuất hiện trong đề. "Tôi mong Bộ sớm công bố bởi thời gian còn lại rất ít. Cả thầy và trò phải dồn lực để chuẩn bị cho kỳ thi", thầy Hoa nói.
Cùng trường với thầy Hoa, cô Lê Vân Anh, giáo viên dạy Hóa lớp 12 dành nhiều thời gian tâm sự, động viên học trò trong suốt những ngày nghỉ phòng dịch. "Nhiều học sinh nhắn tin thường xuyên cho tôi bày tỏ lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay kỳ thi THPT quốc gia thành thi tốt nghiệp THPT. Cô trò phải động viên nhau chỉ cần học chắc kiến thức, thi như thế nào cũng không lo", cô Vân Anh nói.
Lớp do cô Vân Anh phụ trách có 33 học sinh thì khoảng một nửa sẽ sử dụng kết quả môn Hóa để xét tuyển đại học, số còn lại chủ yếu chọn Toán, Lý, Anh. Vì vậy, cô cũng tính toán soạn đề ôn tập cho học sinh có tính phân hóa tốt, đảm bảo những em chỉ chọn Hóa để tốt nghiệp thuần thục các dạng câu hỏi cơ bản, những em chọn Hóa thi đại học phải ôn tập dạng đề có tính vận dụng cao hơn.
Hiện môn Hóa do cô phụ trách còn một phần nhỏ kiến thức ở chương cuối chưa được giảng dạy trực tuyến hay trên truyền hình. Cô Vân Anh sẽ dạy tiếp phần kiến thức này, sau đó rà lại những phần dạy online mà học sinh chưa nắm vững. Cô tính biến bài kiểm tra định kỳ thành cơ hội để học sinh thi thử bằng cách ra đề thi tương tự với cấu trúc đề minh họa tốt nghiệp THPT mà Bộ sẽ công bố.
Tại TP HCM, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán trường THPT Nguyễn Du (quận 10), tự xây dựng một số phương án để ôn luyện cho học sinh từ giờ đến lúc thi tốt nghiệp THPT. Dạy hai lớp 12, trong đó chủ nhiệm một lớp, thầy Chính phải dạy 10 tiết Toán một tuần vào thời gian học chính khóa, ít hơn mọi năm 2-3 tiết. Thầy giáo chia sẻ, hiện vẫn dạy "cầm chừng", bài tập giao cho các em chủ yếu dựa theo kinh nghiệm cá nhân vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố đề minh họa và quy chế thi tốt nghiệp THPT.
"Nếu đề dễ, tinh giản kiến thức tối đa thì giáo viên có thể dạy ở mức vừa phải, nhẹ nhàng để học sinh tập trung cho các kỳ thi riêng. Ngược lại, nếu đề thi vẫn có những bài ở mức khá giỏi để phân hóa học sinh, làm căn cứ xét tuyển đại học thì chúng tôi phải cùng các em vào cuộc đua như mọi năm", thầy Chính nói.
Hiện học sinh trường THPT Nguyễn Du chưa học buổi hai. Do đó, thầy Chính dành thời gian xây dựng ngân hàng câu hỏi và các bài tập online rồi cho các em làm, sau đó thu nhận kết quả. Cách này giúp học sinh có thể tự luyện tập kiến thức sát với chương trình học trên lớp.
Thầy Chính cho biết sẽ dùng 1-2 tuần tiếp theo để giúp học sinh quay trở lại nhịp học và hệ thống lại kiến thức thiếu hụt trong thời gian học online. Thầy cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề minh họa và kế hoạch chi tiết cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để giáo viên kịp thời bổ sung, thay đổi phương án ôn luyện cho học sinh.
Với học sinh lớp 9, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên chủ nhiệm và dạy Văn lớp 9A, trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (Hà Nam), cũng đầu tư thêm thời gian và công sức để tập trung ôn luyện cho học trò sau hơn ba tháng nghỉ phòng dịch. Buổi sáng, cô dạy theo thời khóa biểu chính khóa, một tuần năm tiết với riêng lớp 9A, chiều lại dạy bồi dưỡng cho các em. Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến tổ chức ôn tập cho các học sinh nghỉ hoặc không tham dự đầy đủ các buổi học online, lực học yếu vào buổi chiều.
Cô giáo chia sẻ, các em không đến lớp trong thời gian dài, học online chỉ đảm bảo 50-60% khối lượng bài, giờ đi học lại hầu như bị hổng kiến thức. Lo ngại việc các em lười học, cô Mai thường tranh thủ giờ nghỉ giữa các tiết học để kiểm tra bài vở, nhưng "không ăn thua" vì các em thường ghi chép không đầy đủ, bài đã giao cũng không hoàn thiện. "Học sinh không chịu học mà hình như học cũng không vào, thiếu tinh thần tự giác. Tôi giao dàn ý của một bài văn để học sinh ôn trong một tuần nhưng khi kiểm tra nhiều em vẫn không thuộc", cô Mai kể.
Cô giáo cho rằng do học sinh lớp 9A gần như toàn bộ theo các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa nên không chú tâm cho Ngữ văn dù đây là môn bắt buộc trong kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh Hà Nam. Năm nay, kỳ thi vào THPT của tỉnh diễn ra vào cuối tháng 7, chậm hơn năm ngoái hơn một tháng. Để giảm tải cho học sinh, tỉnh Hà Nam chỉ giữ lại hai môn Văn và Toán, không thi môn thứ ba.
Hiện trường THCS Nguyễn Hữu Tiến chưa tổ chức ôn tập để học sinh lớp 9 ôn thi vào lớp 10 mà tập trung hoàn thành chương trình năm học 2019-2020. Với gần 20 năm giảng dạy, cô Mai cho rằng các trường nên bắt đầu ôn cho học sinh trước thời điểm thi 1-1,5 tháng. "Khoảng thời gian này là đủ để ôn tập, không nên học sớm sẽ tạo áp lực cho các em, còn học muộn hơn sẽ bị cập rập", cô Mai nói.
Sau 1-2 tuần để cho học sinh quen với nhịp học, cô giáo dự định sát sao hơn trong việc kiểm tra, đánh giá để học sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10, đặc biệt là những em có nguyện vọng vào các trường chuyên, chất lượng cao.
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Ngày 4/5, học sinh THCS, THPT cả nước đã quay trở lại trường học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi tốt nghiệp THPT dự kiến vào tháng 8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Thanh Hằng - Dương Tâm