Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu gạo Việt Nam. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu sang nước này chiếm tới 36,45% thị phần, riêng khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5/2016 ước đạt 345.000 tấn, giá trị 165 triệu USD.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng khoảng 445 USD mỗi tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2015. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 với 36,45% thị phần. Bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt gần 706 triệu tấn, tương đương hơn 325 triệu USD, tăng 10,31% về khối lượng và tăng 23,63% về giá trị so với cùng kỳ.
Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 với 15,59% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 4 tháng đầu năm đạt gần 351.000 tấn và 139 triệu USD, tăng hơn 72 lần về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Các thị trường khác có giá trị tăng mạnh là Ghana (12,87%), Đài Loan (64,29%), Bờ Biển Ngà (65,83%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (10,59%). Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (46,6%), Malaysia (36,57%) và Singapore (31,12%).
Bộ Nông nghiệp cũng cho biết, trong tháng 5/2016, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động từ ổn định đến giảm nhẹ trước sức ép từ việc Thái Lan tuyên bố xả kho gạo khổng lồ 11,4 triệu tấn.
Giá lợn hơi tại các tỉnh Đông Nam Bộ cũng giảm do Trung Quốc đột ngột ngừng nhập lợn hơi qua đường tiểu ngạch. Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm một phần do chưa có đơn hàng mới, phần khác do các nhà máy chuyển qua bắt cá trong vùng nuôi, hạn chế thu mua cá ngoài vùng nuôi để tránh gây áp lực tăng giá thu mua cá tra nguyên liệu.
Lệ Chi