Cộng dồn ba thẻ ngân hàng vẫn không đủ 5 triệu đồng đi viện mổ ruột thừa, Trúc Uyên đành gọi bạn bè cầu cứu. Cô gái 28 tuổi ở TP HCM không phải người khó khăn về tài chính bởi có lương khoảng 20 triệu đồng. Tháng lương gần nhất của cô vừa được dành cho chiếc túi xách 12 triệu đồng, ba triệu đồng trả tiền thuê trọ và bốn triệu đồng cho khóa kick-boxing có huấn luyện viên riêng.
"Viện phí là khoản phát sinh, nằm ngoài kế hoạch nên tôi phải vay mượn", cô nói.
Cô gái tự nhận mình mang hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ) nên thu nhập hàng tháng được dành cho các cuộc vui với bạn bè, mỹ phẩm, túi xách, quần áo và du lịch nên không bao giờ có tiền tiết kiệm. Uyên giải thích việc mạnh tay chi tiền cho bản thân vì muốn xây dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại "biết làm biết chơi". Chưa kết hôn trong khi bố mẹ có lương hưu khiến cô rất yên tâm theo đuổi lối sống này.
"Chúng ta chỉ có một cuộc đời tại sao phải sống tằn tiện, phí hoài tuổi trẻ. Nhiều tháng tôi tiêu gấp đôi lương nhưng thiếu lại vay", Uyên nói.
Không giống một số bạn bè, Mạnh Tùng, 30 tuổi chưa bao giờ có ý định tiết kiệm cho những việc lớn như mua nhà, sắm xe hay cưới vợ. Toàn bộ 30 triệu đồng tiền lương mỗi tháng để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Là người thích công nghệ, chàng trai Hải Phòng liên tục thay điện thoại, máy chơi game đời mới. Quần áo, phụ kiện thời trang toàn đồ hiệu, cái rẻ nhất có giá vài triệu đồng. Mỗi ngày đi làm, Tùng chi từ 500.000 đến cả triệu đồng cho tiền cà phê và ăn uống cùng đồng nghiệp.
"Tôi không muốn giống bố mẹ, phải dành dụm từng đồng cho gia đình mà từ bỏ mơ ước, sở thích của bản thân. Tôi muốn làm ra tiền để được mua những thứ mình thích", Tùng nói dù biết lối sống này khiến anh luôn trong tình trạng "có đồng nào xào đồng nấy", chưa hết tháng đã hết tiền.
Tùng và Uyên đại diện cho một bộ phận người trẻ có lương tháng gấp nhiều lần thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam nhưng không bao giờ có tiết kiệm. Lối sống này được người trẻ gọi là "Yolo", viết tắt của cụm từ "you only live once" (bạn chỉ sống một lần trong đời).
Tiến sĩ Trịnh Thị Phan Lan, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết Yolo bắt nguồn từ bài hát "The Motto" do Drake - rapper người Canada thể hiện vào năm 2011 với thông điệp tích cực rằng hãy sống hết mình vì mỗi người chỉ có một lần được sinh ra và một cuộc đời để sống. Do vậy, Yolo truyền cảm hứng và động lực để mỗi người hãy sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa.
"Một bộ phận người trẻ lại hiểu sai thông điệp này nên để bản thân chạy theo ý thích cá nhân, tiêu xài phung phí", bà Lan nói.
Bên cạnh việc theo đuổi lối sống Yolo, chuyên gia cho rằng có 5 lý do khiến nhiều người trẻ thích tiêu xài hơn thế hệ trước. Một là thu nhập ngày càng cao nên người dân sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Hai là xã hội hiện nay thiên về xã hội tiêu dùng khiến con người tràn ngập trong các lựa chọn. Ba là nhận thức về niềm tin cho rằng vẻ bề ngoài quyết định tất cả. Bốn là sự phát triển của mạng xã hội khiến xu hướng sống ảo và thể hiện bản thân tăng. Cuối cùng là quản lý tài chính cá nhân chưa được hiểu đầy đủ và quan tâm đúng mức.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cũng có chung nhận định giới trẻ hiện nay, nhất là Gen Z (sinh năm 1996-2012) có xu hướng chi tiêu phóng khoáng hơn. Báo cáo Consumer Culture 2021 do 5WPR thực hiện cho thấy mỗi khi Gen Z có thu nhập tăng lên sẽ xuất hiện những nhu cầu chi tiêu mới chứ không tiết kiệm.
Thống kê năm 2021 của GfK, công ty nghiên cứu thị trường lớn nhất ở Đức cho thấy người Việt chi tiêu cho đồ điện tử thuộc top đầu khu vực. Ví dụ, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng smartphone bán ra thị trường Việt Nam tăng từ 15,7 triệu chiếc vào năm 2020 lên 16,8 triệu chiếc năm 2021.
Báo cáo "Year in Search 2022" dành cho Việt Nam của Google cho thấy gần 30% người Việt (so với 23% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) dự định chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức sau đại dịch. Cũng theo khảo sát, nhu cầu hưởng thụ những chuyến du lịch nước ngoài gia tăng. Cứ 5 người lại có một người tìm kiếm kỳ nghỉ xa hoa và 3 trong số 10 người sẽ chọn trải nghiệm du lịch cao cấp. Số lượt tìm kiếm về "du lịch nghỉ dưỡng" của người Việt cũng tăng hơn 40% trong năm 2022.
Theo chuyên gia, ưu tiên chi dùng ở hiện tại có thể giúp người trẻ cảm thấy tự tin, yêu đời trong ngắn hạn, nhưng hệ lụy rõ ràng nhất là thiếu an toàn về tài chính, không có các khoản dự phòng, không tiết kiệm và đầu tư, hoặc không thể hỗ trợ người thân lúc cần thiết. Thậm chí nhiều người có thu nhập cao vẫn có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Khảo sát nhanh hôm 16/6 của VnExpress với câu hỏi "Bạn có từng phải đi cầm đồ hoặc vay tiền người thân, bạn bè vì không có tiền tiết kiệm?", có đến 10% độc giả cho biết họ trong tình trạng nợ nần bởi chọn lối sống hưởng thụ.
Trúc Uyên cũng nằm trong nhóm này. Lương cao nhưng không đủ thỏa mãn nhu cầu chi tiêu buộc cô tìm đến thẻ tín dụng. "Chỉ cần trả đúng hạn là được, có nợ mới có động lực kiếm tiền để trả", cô gái 28 tuổi nói.
Tâm lý "chỉ có một lần để sống" cũng khiến Mạnh Tùng hài lòng với thực tại dù không có bất kỳ khoản dự phòng cá nhân. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi nửa năm trước anh nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngại vay bạn bè vì xấu hổ, bố mẹ ở quê cũng không dư dả khiến chàng trai 30 tuổi phải cầm cố đồ công nghệ, thanh lý quần áo hàng hiệu để có tiền chi tiêu trong lúc tìm việc mới.
"Nếu chỉ sống một mình và còn trẻ, bạn có thể không cần suy nghĩ nhiều về tài chính. Nhưng khi lập gia đình câu chuyện sẽ khác do phải tính toán chi phí để sinh đẻ, nuôi dạy con cái, hỗ trợ cha mẹ già yếu hay đơn giản là chuẩn tốt cho tuổi nghỉ hưu của bản thân. Tất cả sẽ trở thành gánh nặng nếu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ", bà Lan cảnh báo.
Đáng chú ý, việc người trẻ thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, khiến họ rất dễ rơi vào tình trạng suy sụp khi rủi ro hoặc biến số xảy ra. "Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương" do Backbase thực hiện đầu năm 2021 cũng cho thấy có đến 67% người Việt được khảo sát đang cảm thấy căng thẳng về tình trạng tài chính. Tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền của Việt Nam cũng cao nhất trong 10 nước được khảo sát.
Chuyên gia Phan Lan khuyên mỗi cá nhân nên hiểu đúng và học cách quản lý tài chính cá nhân bao gồm cả kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm, hưu trí và quản lý gia sản. Ví dụ với phương pháp 50-30-20, lời khuyên phổ biến là 50% tiền lương dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% chi tiêu linh hoạt, 20% tiết kiệm và đầu tư.
Còn trong trường hợp vẫn gặp khó khăn, bà Lan gợi ý nên tìm đến chuyên gia tư vấn tài chính (financial planner) để nhận các kế hoạch phù hợp với dự định cá nhân như sinh con, đi du học, phụng dưỡng mẹ già hoặc đầu tư.
Nhiều năm trước, Mai Liên, 29 tuổi, ở Nghệ An từng theo đuổi lối sống tiêu nhiều hơn thu vì muốn được ăn ngon, mặc đẹp và tăng cơ hội trải nghiệm cuộc sống. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cô phải chạy vạy khắp nơi, chấp nhận vay lãi suất cao để lo đủ 40 triệu đồng tiền viện phí khi người thân bị tai nạn giao thông.
"Tôi cảm thấy bất lực, xấu hổ khi có công việc ổn định mà không thể lo nổi cho gia đình, giờ lại nợ chồng nợ", cô gái trẻ tâm sự.
Quỳnh Nguyễn