Chị Phương sốt cao, đau đầu, nôn ói, choáng váng, kiệt sức, hơn một tháng trước vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức), sau đó chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Bác sĩ chẩn đoán chị bị sốt xuất huyết nặng thể sốc, tổn thương gan, suy thận, viêm phổi, nguy cơ tử vong, chỉ định thở máy, truyền máu, dùng kháng sinh...
Nhờ điều trị tích cực, chị Phương vượt qua cửa tử, chức năng thận cải thiện, sức khỏe hồi phục, xuất viện ngày 7/11. Tuy nhiên chị đối mặt với khó khăn về gánh nặng gần 300 triệu đồng viện phí.
Chị Phương trước đây làm phụ bếp, sinh hai con xong thì ở nhà nội trợ, kinh tế gia đình phụ thuộc chồng làm nghề thợ sơn nước. Gia đình khó khăn, chị Phương không mua bảo hiểm y tế. Vì vậy lần này bệnh, toàn bộ chi phí điều trị chị phải tự trả. Vợ chồng chị vay mượn khắp nơi, cộng thêm số tiền được các mạnh thường quân hỗ trợ, chị mới trả viện phí gần 200 triệu đồng, còn nợ bệnh viện gần 100 triệu. "Tôi sốc vì không ngờ viện phí cao như vậy", chị chia sẻ.
Bác sĩ Lưu Minh Khoa, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết chị Mỹ Phương sốc sốt xuất huyết rất nặng, gan và thận đều tổn thương, phải đặt nội khí quản thở máy và lọc máu nhiều lần. Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn đông máu, phải truyền rất nhiều chế phẩm máu như tiểu cầu, huyết tương... Các bác sĩ phải sử dụng những kỹ thuật điều trị cao, tốn tiền, mới giành lại được tính mạng của chị Phương. Do đó, chi phí điều trị rất lớn, thời gian nằm viện dài ngày cũng làm tăng phí tổn.
Những trường hợp bệnh nhân khó khăn như thế này, bệnh viện phải kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, hoặc cho nợ viện phí, như trường hợp chị Phương.
Theo bác sĩ Khoa, bệnh nhân Phương trước đó khỏe mạnh, không ghi nhận bệnh nền, khi vào sốc sốt xuất huyết thì chuyển nặng nhanh chóng. Đây không phải là tình trạng hiếm gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Điển hình, vài ngày trước khi chị Phương xuất viện, bệnh nhân Phạm Hồng Ngoan (20 tuổi, quê An Giang) sốc sốt xuất huyết quá nặng nề, tử vong. Ban đầu Ngoan chỉ bị nóng sốt, mấy ngày sau bắt đầu mệt và nôn ói, vào bệnh viện địa phương thì bất tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, nhập viện muộn, chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh rồi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị.
Người nhà Ngoan cho biết đã vay mượn hàng chục triệu đồng để đóng viện phí ở các bệnh viện tại địa phương. Riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, gia đình nhận được thông báo viện phí 700 triệu đồng, trong khi không có bảo hiểm y tế. Người nhà Ngoan xin tiền, vay nợ các nơi, bệnh viện cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, nhưng còn thiếu hơn 100 triệu đồng chưa có cách nào xoay xở.
Mới đây, bệnh nhân Lê Trung Kiên, 22 tuổi, ngụ Vĩnh Long, bị sốc sốt xuất huyết, suy gan và thận, bác sĩ điều trị chống sốc, truyền máu, thay huyết tương... viện phí khoảng 140 triệu đồng. Kinh tế gia đình chật vật, bố mất sớm, Kiên lên Bình Dương làm ở xưởng gỗ thu nhập khoảng 3 triệu đồng một tháng, không có điều kiện mua bảo hiểm y tế. "Tôi phải tự chi trả hoàn toàn viện phí, là món nợ lớn mà cả nhà phải gánh vì sốt xuất huyết", Kiên chia sẻ.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ngoài ba ca chi phí điều trị cao như trên, còn có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết khác viện phí hàng chục triệu đồng. Các bác sĩ nhận định nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết đã chủ quan, nhất là người trẻ vốn rất khỏe mạnh, điều trị tại nhà không để ý các dấu hiệu chuyển nặng, đến khi vào viện thì đã muộn, không thể cứu chữa hoặc điều trị kéo dài, tốn kém chi phí như các trường hợp trên.
Bác sĩ Khoa khuyến cáo người sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Khi theo dõi bệnh tại nhà, phải tái khám theo đúng chỉ định, mỗi 12 giờ hoặc 24 giờ, tuân thủ lịch thử máu. Lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng như đau bụng vùng hạ sườn phải, bứt rứt, vã mồ hôi, tay chân lạnh, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo bất thường... để nhanh chóng đến viện ngay, dù là trong đêm. Bệnh nhân sốt xuất huyết khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát, bởi sau giai đoạn sốt cao dễ biến chứng, vào sốc, tổn thương đa cơ quan, chảy máu ồ ạt, thậm chí tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), trước đây sốt xuất huyết chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân người lớn có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, tỷ lệ trở nặng gây khó khăn trong điều trị và tử vong ở người lớn khi mắc sốt xuất huyết cao hơn rất nhiều so với trẻ em. HCDC ghi nhận hiện 75% ca tử vong do sốt xuất huyết là người lớn.
TS. BS Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nói rằng bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm thể sốc và các thể nặng khác để xử trí kịp thời. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết.
Bộ Y tế ghi nhận từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 303.000 ca sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp. Bộ Y tế dự báo từ nay tới cuối năm, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và tăng ca mắc, ca nặng lẫn số tử vong.
Mỹ Ý