Ngay sau đó chỉ vài ngày, một đoàn thanh tra của sở này được thành lập để tới thanh tra doanh nghiệp của ông chủ tịch hiệp hội. Quyết định cho phép thanh tra được ký ngay trong ngày nghỉ cuối tuần.
Thanh tra, kiểm tra vốn là biện pháp quản lý cần thiết của nhà nước, chắc chắn cần được sử dụng để đảm bảo sự tuân thủ, thực thi pháp luật của doanh nghiệp. Nhưng ở nhiều nơi, hiệu quả quản lý chưa thấy đâu, mà thực tế gánh nặng thanh tra lại là ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp. Đó là tần suất thanh tra quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà. Nó tạo thêm chi phí lớn cho doanh nghiệp, làm gián đoạn công việc kinh doanh và triệt tiêu khả năng cạnh tranh.
Tại diễn đàn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cách đây ít lâu, chủ một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội đứng lên than rằng doanh nghiệp của anh phải đón đến 20 đoàn thanh tra, kiểm tra của nhà nước trong vài tuần. Doanh nghiệp này buộc phải thành lập riêng một bộ phận ba người để phục vụ công tác tiếp thanh tra, kiểm tra.
Tất nhiên họ phải trả thêm lương, tốn kém biết bao chi phí khác cho bộ phận mới thành lập. Nhưng cũng chưa xong, đoàn thanh tra nào vào cũng đòi gặp chủ doanh nghiệp. Một chủ doanh nghiệp làm sao còn thời gian làm việc khác khi phải đón đến 20 đoàn thanh tra, kiểm tra trong một vài tuần như vậy?
Vị giám đốc băn khoăn, tại sao doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch của họ đang nỗ lực đi theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, rõ ràng nguồn gốc thì luôn phải đón tiếp các quan chức nhà nước với sắc mặt nghiêm nghị, xe ô tô có còi hụ đỗ xịch trước cửa hàng. Trong khi, trớ trêu thay, ngay cạnh đó nhiều phản thịt lợn được ngả bán công khai trên vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì lại chẳng cơ quan nào ngó đến.
Tâm lý nắm kẻ có tóc chứ hơi đâu túm kẻ trọc đầu, doanh nghiệp cứ kinh doanh lớn thì tất nhiên phải sai nhiều rất phổ biến trong hệ thống cơ quan chính quyền. Vì vậy, công ty càng kinh doanh lớn, càng làm ăn bài bản thì càng phải đón tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Nhiều điều tra doanh nghiệp của VCCI thời gian qua đã khẳng định thực tế phản phát triển này. Thử hỏi làm sao doanh nghiệp có động lực để lớn, để làm ăn bài bản?
Tháng 5 năm 2017 vừa qua, tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 20 để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra. Chỉ thị quy định rằng trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng thì chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần mỗi năm; không kiểm tra chồng chéo; tích cực sử dụng kết quả của nhau.
Có lẽ vì vậy, điều tra doanh nghiệp năm 2018 của VCCI đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực hơn của công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, có doanh nghiệp vẫn phản ánh với chúng tôi rằng nhiều đoàn vào doanh nghiệp đã chủ động đổi cách gọi, không còn là đoàn thanh tra, kiểm tra nữa mà là "viếng thăm" doanh nghiệp.
Tôi cho rằng điểm hạn chế nhất của tình trạng thanh, kiểm tra là căn cứ thực hiện không khoa học, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp không minh bạch. Thường, doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra không phải dựa trên căn cứ, nguy cơ nào cụ thể mà phụ thuộc khá lớn vào sự chủ quan của công chức liên quan.
Thông lệ của nhiều nước, thanh tra, kiểm tra cần hướng vào rủi ro, vào nguy cơ vi phạm pháp luật. Những doanh nghiệp nào có khả năng vi phạm pháp luật cao, chủ doanh nghiệp nào từng vi phạm pháp luật nhiều lần mới cần được quan tâm nhiều hơn chứ không phải là những chủ doanh nghiệp không biết điều, cứng đầu hay không biết "quan hệ".
Làm được điều này, chúng ta sẽ đưa được một thông điệp rất quan trọng với cộng đồng kinh doanh: càng kinh doanh nghiêm túc, càng được giảm gánh nặng thực thi pháp luật.
Đậu Anh Tuấn