Trong căn nhà trọ chừng 15 m2 tại quận Bình Thạnh, TP HCM, của người em, anh Lãnh (ngụ xã Tiên Mỹ, Tiên Phước, Quảng Nam) rà soát lại xấp hồ sơ dày cộm trước khi đến bệnh viện tái khám. Trải qua hai ca phẫu thuật cắt bướu trong dạ dày, sức khỏe người đàn ông 43 tuổi suy giảm nghiêm trọng. Ăn uống khó nhọc, từ lúc trở bệnh anh sụt gần 15 kg.
Tháng 11/2014, anh nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vì đau bụng, xuất huyết tiêu hóa dữ dội. Kết quả chẩn đoán bướu mô đệm đường tiêu hóa, anh được phẫu thuật cắt bán phần trên dạ dày nối vị tràng. Sau mổ, bướu vẫn còn kích thước khá lớn nên anh được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, trải qua ca mổ tiếp theo để cắt phần còn lại của dạ dày và nạo hạch rồi sang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Bác sĩ Nguyễn Trung Hiệp, Khoa Nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, hiện bệnh nhân được theo dõi điều trị hỗ trợ, sử dụng thuốc liên tục trước mắt là trong 3 năm để chống tái phát. Lần khám gần đây nhất cho thấy lượng bạch cầu bị giảm nên phải chích thuốc tăng bạch cầu.
“Bướu đường tiêu hóa nằm nhiều vị trí khác nhau, thường có triệu chứng mơ hồ nên đa số phát hiện muộn khiến việc điều trị khó khăn. Bệnh nhân này bướu có kích thước khá lớn nhưng may mắn là vẫn còn cắt được”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Chờ gọi tên khám bệnh tại hành lang Bệnh viện Ung bướu, anh Lãnh nghẹn giọng kể về những tháng ngày tai ương với gia đình. Vợ anh là Võ Thị Mỹ Linh sinh năm 1973 bị ung thư cổ tử cung. Sau khi phẫu thuật sức khỏe chị tạm ổn thì hiện thêm bệnh viêm đa xoang. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chỉ định mổ nhưng hoàn cảnh khó khăn nên chị xin hoãn để uống thuốc điều trị.
Cậu con trai đầu lòng 19 tuổi Hữu Cường sau khi đậu đại học đã quyết định nghỉ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình, chăm lo bà và các em trong thời gian bố mẹ đi viện. Gánh nặng kinh tế cả nhà trông cậy vào đồng lương 2 triệu đồng một tháng của Cường. Con đường học hành của ba đứa nhỏ Phan Thị Hoài Thu (lớp 10), Phan Thị Ngọc Trang (lớp 5), Phan Công Trãi (lớp 3) đứng trước nguy cơ dang dở. Số tiền vay mượn chữa bệnh đã chất chồng, hiện giờ chỉ mỗi tiền hàng tháng tàu xe từ Quảng Nam vào TP HCM chữa trị cũng đã trở nên quá sức với gia đình khốn khó.
"Hồi xưa làm ruộng, làm rẫy khuân vác bao nhiêu cũng được, giờ mổ mấy đợt rồi uống thuốc liên tục người chẳng còn sức. Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc giữa chừng vì không biết xoay xở vào đâu nhưng giờ đã cố được nửa đường rồi thì cố đến cùng may ra hết bệnh thì còn làm lụng trả nợ, lo cho mấy đứa con đi học chứ tụi nó còn nhỏ tội nghiệp quá", anh Lãnh chia sẻ.
Lê Phương