Mức thưởng Tết năm nay được chốt sau rất nhiều phiên giằng co giữa lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện công đoàn. Phía công ty đưa lý do tình hình 2023 khó khăn không kém gì lúc thành phố bùng dịch, giãn cách suốt ba tháng - năm đó, lợi nhuận và doanh thu đều giảm, tiền thưởng thấp hơn 30% so với lúc sản xuất thuận lợi.
Trong khi đó, công đoàn e ngại công nhân sẽ thất vọng, dẫn đến bỏ nhà máy, dù theo luật, thưởng Tết có hay không, ít hay nhiều tùy thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai phía dường như đều thấu hiểu tình cảnh của nhau. Nhưng niềm hy vọng thấp thỏm của người lao động là công ty nào cũng luôn có tài chính tích lũy, khi bần cùng có thể "phá kho thóc". Còn ban giám đốc phập phồng lo sợ, ai biết khó khăn còn đến bao giờ mà đã vội mang hết "của để dành" ra tiêu.
Sau nhiều cuộc thương lượng, hai bên thống nhất mức thưởng sẽ giảm 10% so với năm ngoái. Đây được xem là phương án "đầy nỗ lực" của công ty trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giày da giảm 15%. Tuy nhiên, "giảm" vẫn là một thông tin khó lựa lời để công bố, dù là giảm 15 hay hay chỉ 10%.
Rụt rè chưa công bố thưởng Tết không phải là tâm thế của riêng doanh nghiệp này. Từ đầu tháng 11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM đã gửi phiếu khảo sát đến 3.000 trong tổng số hơn 160.000 doanh nghiệp trên địa bàn để lấy số liệu về lương, thưởng Tết 2024. Tuy nhiên, đến hạn cuối 25/12 vẫn còn nhiều phiếu chưa được thu về. Cả nước, mới hơn vài chục địa phương có báo cáo thưởng Tết. Đằng sau sự trì hoãn là nỗi đắn đo, cân nhắc.
Đêm Giáng sinh tôi đặt một cuốc xe ôm công nghệ vào trung tâm. Đón tôi là anh tài xế đứng tuổi. Anh nói mình vốn là công nhân nhà máy sản xuất giày ở Bình Tân, đi làm đã 16 năm, lương cơ bản hơn 10 triệu đồng. Vợ anh, cùng công ty, thâm niên 5 năm, lương hơn 6 triệu. Anh chị có hai con tuổi ăn học gửi ở quê cho ông bà.
Mỗi tối, sau giờ làm ở nhà máy, anh bật ứng dụng chạy xe kiếm thêm. Không chỉ anh, cả chuyền sản xuất hơn 50 người thì đến quá nửa đăng ký chạy xe.
"Tài xế đông hơn khách", anh mô tả. Có hôm, nán lại đến 1-2 giờ sáng, mà anh cũng chỉ kiếm được vài cuốc xe, chưa được đến trăm nghìn.
Nhờ mấy năm dịch dã, ngấm đòn, vợ chồng anh biết thắt lưng buộc bụng, dè xẻn ăn tiêu, không phải mượn nợ nhưng cũng chẳng dư được đồng nào. Đang yên lành, bỗng dưng, Tết sầm sập đến: vé tàu vé xe, đồng quà tấm bánh, thuốc thang cho bố mẹ già, cái áo cái quần cho con... Trăm thứ trông chờ vào thưởng Tết. Vợ chồng anh thay nhau "hóng từ đầu tháng 12", trong mọi cuộc tán gẫu với anh em đồng nghiệp cùng nhà máy, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
"Chỉ kém đi thôi, không hy vọng có hơn, nhưng vẫn phải biết có chừng nhiêu, để biết đường mà liệu cơm gắp mắm", anh nói và vẫn tin là "dù khó khăn cỡ nào, ông chủ sẽ không bỏ rơi công nhân của mình".
Cuốc xe của chúng tôi tới gần điểm dừng khi Nhà thờ Đức Bà đã tấp nập người, đèn điện nhấp nháy, các ông già Noel hiền hậu giấu nụ cười sau chòm râu trắng. Xe dừng, anh xe ôm nhìn tôi cười như một đứa trẻ nói: Bây giờ người lớn cũng mong có quà Noel chị ạ. Tôi hỏi anh mong gì. Anh nói một hơi như sợ không kịp diễn đạt hết ý: thế giới hết đánh nhau, kinh tế phục hồi, đơn hàng có lại, lương thưởng đủ đầy. Công nhân làm đế giày như tụi em trước đây đâu quan tâm tới chuyện thế giới, nhưng vài ba năm nay, lãnh đạo nói hoài dần em cũng hiểu vì sao chiến sự ở nơi xa lắc xa lơ cũng có thể khiến mình đói kém. Khó khăn ập đến đã khiến ước mơ của anh cũng vượt ra khỏi căn phòng trọ chưa đến 10 m2.
Năm 2023, lần đầu tiên, sau 10 năm thuế thu nhập cá nhân tăng trưởng âm so với cùng kỳ, theo số liệu của Bộ Tài chính. Chín tháng đầu năm, thuế thu nhập cá nhân đóng góp 121.200 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Khoản thu này thấp hơn 7.200 tỷ so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 6%.
Thu nhập giảm, người ta càng mong chờ vào thưởng Tết nhưng tiền đâu để thưởng và mức thưởng như thế nào thì "tùy tâm", phụ thuộc vào chuyện làm ăn trong năm của doanh nghiệp.
Một chủ tịch công đoàn công ty quy mô hàng chục nghìn lao động nói với tôi phải trải qua bảy phiên thương lượng họ mới thuyết phục được chủ doanh nghiệp giữ được mức thưởng Tết gần bằng năm ngoái. Ông gọi đây là "thành quả", và để có được nó là kết quả của sự gắng gượng từ hai phía: công đoàn nhẫn nại, mềm mỏng, thấu tình đạt lý khi thuyết phục; còn ban giám đốc công ty linh hoạt, vừa "cấu" từ quỹ tài chính dự phòng, vừa bớt lương thưởng của các lãnh đạo cấp cao.
Nhiều năm tham dự, đưa tin về những cuộc thương lượng thưởng Tết, tôi luôn thấy đây là khoảng thời gian căng như dây đàn. Đầu dây bên này là người lao động, cả năm hồi hộp trông chờ vào một khoản; phía bên kia là chủ doanh nghiệp, xoay xở thưởng Tết để giữ chân người lao động.
Nhưng trong tình hình khó khăn như những năm vừa qua, sự chia sẻ, thấu hiểu để "giữ nhau" mới là điều quan trọng hơn cả. Và thái độ đón nhận của hai phía với thưởng Tết là một biểu hiện của quá trình sẻ chia - thấu hiểu đó.
Lê Tuyết