Sau khi thẩm định chặt chẽ hồ sơ, lấy ý kiến nhiều bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa quyết định cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1) nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10.
Đây không phải chất thải mà là vật liệu thu được sau quá trình nạo vét vũng quay tàu, phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Trong đó 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Loại vật, chất này bản chất đã nằm ở biển và nay được đưa lên để chuyển đi chỗ khác.
"Nó không chứa chất độc hại hay phóng xạ vượt chuẩn Việt Nam. Theo UBND tỉnh, khối lượng trên không thể đổ lên đất liền vì có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường", giấy phép nêu rõ.
Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.
Cùng với việc cấp phép nhận chìm chất thải, nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là Khu bảo tồn Hòn Cau được đưa ra, gồm: dùng lưới ngăn cản sự phát tán vật chất nhận chìm ra ngoài; đưa ra phương án phòng chống sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ; có chương trình giám sát độc lập với 13 điểm quan trắc giám sát để đánh giá, ngăn ngừa, phát hiện sớm nếu có tác động xảy ra với Khu bảo tồn Hòn Cau và bãi cạn Breda cũng như khu vực ven bờ.
"Khi phát hiện việc vận chuyển vật, chất nhận chìm không đúng vị trí hoặc các kết quả thông số quan trắc vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng biển thì Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động cho đến khi có giải pháp và Bộ Tài nguyên chấp nhận", giấy phép nêu rõ.
Trước đó, để thực hiện dự án nạo vét luồng lạch vùng biển trước cảng, Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) đã trình hồ sơ dự án "Nhận chìm vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1" lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào tháng 7/2015, có công suất 1.200 MW với 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư 1,75 tỷ USD (doanh nghiệp Trung Quốc 95%, phía Việt Nam 5%), theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ vận hành cuối năm 2018, tổ máy thứ 2 hòa lưới điện quốc gia vào giữa năm 2019. |