Hệ thống tiếp dầu bị làm mờ trong phóng sự. Ảnh: CCTV. |
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tuần trước công bố hình ảnh tiêm kích tàng hình J-20 được trang bị cần tiếp dầu kiểu "thò ra thụt vào" ở bên phải buồng lái. Hệ thống tiếp dầu trên không này có thể giúp J-20 tăng đáng kể bán kính chiến đấu và thực hiện các chuyến bay trên toàn bộ khu vực Biển Đông, theo Business Insider.
Trung Quốc từ lâu đã muốn trang bị cần tiếp dầu cho tiêm kích J-20, nhưng đây là một thách thức lớn về kỹ thuật, bởi cần tiếp dầu gắn cố định trên thân máy bay sẽ làm tăng đáng kể tiết diện phản xạ radar (RCS) của nó.
"Thiết kế cần tiếp dầu cố định ở bên ngoài thân như tiêm kích J-10 sẽ tăng đáng kể RCS, khiến đối phương dễ dàng phát hiện máy bay", một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận xét.
Giải pháp mà các kỹ sư Trung Quốc áp dụng là gắn cần tiếp dầu giấu kín bên trong thân của J-20 để đảm bảo tính năng tàng hình, nó chỉ thò ra bên ngoài khi thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu trên không trong thời gian ngắn.
Trung Quốc tới nay không công bố các thông số chi tiết của tiêm kích J-20, nhưng giới chuyên gia quân sự nhận định mẫu J-20 nguyên bản có bán kính tác chiến khoảng 1.100 km.
Khi được gắn cần tiếp dầu để nhận nhiên liệu từ máy bay HU-6, phi đội J-20 có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tác chiến ở khoảng cách xa hơn, cũng như tăng đáng kể thời gian hoạt động trên không, đặc biệt là những khu vực tranh chấp trên Biển Đông, theo chuyên gia Ryan Pickrell.
Không quân Trung Quốc hôm 10/11 cũng lần đầu phô diễn khả năng mang vũ khí của tiêm kích J-20 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Hai chiến đấu cơ tàng hình này bay qua đầu khán giả với cửa khoang vũ khí mở toang, cho thấy 4 tên lửa đối không tầm trung dưới bụng và hai tên lửa đối không tầm ngắn ở sườn máy bay.
Tiêm kích J-20 biểu diễn tại triển lãm Chu Hải đầu tháng 11. Ảnh: Livejournal. |
Tuy nhiên, những tiêm kích này vẫn được gắn AL-31F của Nga, không phải mẫu động cơ nội địa mới có tên WS-15 như dự kiến. WS-15 bị cho là vẫn chưa đạt độ ổn định cần thiết để có thể giúp J-20 hoạt động đáng tin cậy trong thời gian dài.
"Việc tiếp tục phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu từ Nga là rào cản ngăn Trung Quốc sở hữu một tiêm kích tàng hình thế hệ 5 thực sự", chuyên gia Pickrell nhấn mạnh.
Duy Sơn