Công ty cổ phần Truyền thông Tài chính (StoxPlus) vừa công bố báo cáo cập nhật về thị trường tài chính tiêu dùng (còn gọi là cho vay trả góp) của Việt Nam. Theo báo cáo này, tổng quy mô thị trường năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng (khoảng 8,88 tỷ USD), với mức tăng trưởng 12% và chiếm 5,4% GDP.
Tăng trưởng thị trường tài chính tiêu dùng xuất phát từ thay đổi về chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, năm 2011, cho vay tiêu dùng được nhìn nhận và phân loại vào nhóm cho vay phi sản xuất và bị hạn chế tăng trưởng. Sau khi trần cho vay tiêu dùng được tháo gỡ vào cuối năm 2012 thì hoạt động này như được “cởi trói”.
Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tính trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế mới ở mức 5,2%, rất thấp so với các nước trong khu vực. Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước cuối năm ngoái cho thấy tổng dư nợ với nền kinh tế đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, trong đó không bóc tách riêng phần cho vay tiêu dùng.
STT |
Chỉ tiêu |
Tháng 12/2013 |
So với tháng 12/2012 |
---|---|---|---|
1 |
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản |
366.121 |
22,92 |
2 |
Công nghiệp và xây dựng |
1.313.251 |
10,11 |
- Công nghiệp |
969.039 |
7,08 |
|
- Xây dựng |
344.212 |
19,61 |
|
3 |
Hoạt động Thương mại, Vận tải và Viễn thông |
798.833 |
8,51 |
- Thương mại |
672.040 |
11,29 |
|
- Vận tải và Viễn thông |
126.793 |
-4,17 |
|
4 |
Các hoạt động dịch vụ khác |
999.780 |
15,70 |
Tổng |
3.477.985 |
12,52 |
"Một bộ phận lớn người dân Việt Nam hiện nay chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, thị trường này mới tập trung vào các đối tượng có thu nhập cao và ổn định. Trong khi đó, hiện 68% dân số Việt Nam hiện sống ở khu vực nông thôn, hầu hết khó chứng minh được nguồn thu nhập ổn định và đủ cao để có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng như thẻ tín dụng", báo cáo nhận định.
Cũng theo số liệu của StoxPlus, hiện phần lớn dịch vụ cho vay tiêu dùng được cung cấp bởi các ngân hàng cổ phần và sản phẩm chủ yếu là cho vay mua, sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Theo thông lệ quốc tế, các khoản này không được xem xét là cho vay tiêu dùng. Các công ty tài chính tiêu dùng (chủ yếu là đơn vị ngoại) chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng số dư nợ 8,88 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc StoxPlus, các hoạt động cho vay tiêu dùng với giá trị thấp hơn như xe gắn máy, điện thoại, đồ điện, đồ gia dụng... mà không tính cho vay mua, sửa nhà và ôtô mới còn rất nhỏ. Quy mô dư nợ ở phân khúc này chưa đến một tỷ USD và chủ yếu do các công ty tài chính tiêu dùng nước ngoài khai thác.
"Các nhà băng thương mại cũng cung cấp nhưng chủ yếu được thực hiện như một phần của sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, chỉ có hai đơn vị là Ngân VPBank và Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) đang triển khai mạnh dịch vụ với nhóm hàng này”, ông Thuân cho hay.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng thời gian tới sẽ trở nên cạnh tranh hơn với sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, châu Âu… Hơn nữa, không ít ngân hàng trong nước cũng coi đây là hướng phát triển bền vững.
Trong một thời gian dài trước đó, các ngân hàng đã quá tập trung vào hoạt động cho vay doanh nghiệp (với hơn 75% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành – theo số liệu của báo cáo). Phát triển mảng tài chính cá nhân, đặc biệt là cho vay tiêu dùng là một chiến lược hợp thời và nhiều định chế trong nước đang thúc đẩy mô hình này.
HDBank mua lại Công ty tài chính Việt- Societe (SGVF). Maritime Bank dự kiến sáp nhập MDB. SHB cũng định sáp nhập một công ty tài chính. Tất cả các động thái này, theo StoxPlus, là nhằm đón đầu hoặc thâm nhập vào thị trường tài chính tiêu dùng còn nhiều tiềm năng.
Trước đó, trong một báo cáo về hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) công bố cách đây một năm, StoxPlus đã nhận định đây là tài chính tiêu dùng vốn được các định chế tài chính nước ngoài rất quan tâm. Hơn nữa, ở Việt Nam, mức thâm nhập thị trường chưa cao nên nhà băng, công ty tài chính nào có thế mạnh về hoạt động này sẽ là tầm ngắm của M&A.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây cũng chỉ ra một số thách thức lớn cho ngành. Đó là vấn đề khai thông, xây dựng kênh bán hàng, theo dõi, cảnh báo và thu nợ của hàng trăm ngàn khách hàng cá nhân với khoản vay nhỏ không đơn giản. Vì thế, vấn đề rất quan trọng là phải chuẩn hóa và tập hợp thông tin tín dụng, đánh giá năng lực khách hàng cá nhân để xác định mức lãi suất cho vay hợp lý. "Không nên 'đánh đồng' lãi suất theo sản phẩm đầu ra và chỉ làm theo cách là hợp tác với các đơn vị bán lẻ như hiện nay", nhóm chuyên gia StoxPlus nhận định.
Báo cáo cho rằng, thị trường này còn bỏ ngỏ khi cho vay tài chính tiêu dùng bình quân đầu người mới ở mức 98 USD mỗi năm. Một phần lý do là các chính sách điều tiết của cơ quan quản lý như về lãi suất.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức lãi suất trần cho vay như ở một số thị trường khác, tránh tình trạng 'cắt cổ' người vay như đã phản ánh gần đây thì sẽ thay đổi căn bản bức tranh hoạt động của ngành", báo cáo nhận định.
Ngọc Tuyên