Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chị Thu Nga, TP HCM cho biết, gần như ngày nào cũng nhận được điện thoại chào mời vay vốn của nhân viên các ngân hàng. Thông thường chị sẽ nghe qua loa hoặc cúp máy.
Lý do không phải chị chưa có nhu cầu, mà vì biết mình không thuộc diện được vay tín chấp do vướng khâu xét duyệt (hộ khẩu tỉnh). Nhưng lần này thì khác, thay vì đòi hộ khẩu thành phố hoặc KT3 như trước đây, nhân viên ANZ cho biết chỉ cần hộ khẩu tỉnh, có hợp đồng lao động... vẫn có thể vay tín chấp lên đến 8 tháng thu nhập và hạn mức tối đa 500 triệu đồng, điều kiện khá thoáng kể cả khi so với các công ty tài chính.
Ngân hàng Citibank Việt Nam suốt tháng nay đang hút khách bằng cách tặng cặp vé xem phim với những ai vay tiêu dùng từ 50 triệu đồng trở lên. Khâu xét duyệt thì được triển khai trong vòng vài giờ đồng hồ.
Nhà băng nội cũng tỏ ra không hề thua kém khi mạnh tay giảm lãi suất. khách hàng cũ tại ACB nếu vay thêm số tiền tối thiểu 200 triệu đồng để mua nhà, sửa chữa nhà để ở... sẽ được hưởng mức lãi suất chỉ 8% một năm cố định một tháng, hoặc 9% mỗi năm cố định 3 tháng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66% so với cuối năm ngoái trong đó tín dụng tiền đồng giảm tới 1,94%. Hai tháng đầu năm ngoái, tín dụng toàn ngành chỉ giảm 0,23%. Diễn biến này chủ yếu do nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh chưa tăng trở lại.
Trong bối cảnh đó, vay tiêu dùng được các ngân hàng đánh giá là sản phẩm chủ đạo. Như Sacombank năm vừa qua, lợi nhuận tăng mạnh một phần nhờ sự đóng góp quan trọng từ mảng bán lẻ. Tổng giám đốc Sacombank, Phan Huy Khang cho biết, 40% lãi đến từ khách hàng cá nhân và tỷ trọng này đã tăng mạnh so với 2012. "Đây cũng sẽ là mục tiêu của Sacombank trong năm 2014", ông Khang cho biết.
Một lãnh đạo của Ngân hàng ANZ - nhà băng ngoại có thế mạnh trong bán lẻ tại Việt Nam cũng chỉ ra vài lý do cho thấy những cơ hội lớn từ mảng cho vay tiêu dùng. Theo ông, trước hết đó là đặc điểm dân số Việt Nam khá trẻ, chủ yếu ở độ tuổi có nhiều nhu cầu mua sắm, tiêu dùng.
Ngoài ra, hầu hết các nhà băng đều nhìn thấy sự tăng trưởng số người giàu của Việt Nam trong vòng 10-15 năm qua. "Dù gần đây có thể không tăng mạnh nhưng số người giàu vẫn đang trong xu hướng tăng", đại diện này nói thêm. Tại ANZ, trong một năm trở lại đây, số lượng khách hàng ở mảng này tăng rất mạnh, thường 200-300%.
Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) Đặng Bảo Khánh cho rằng, tiềm năng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn lớn, nhất là lượng người dân trở thành tầng lớp trung lưu, thu nhập tốt ngày một nhiều.
Tuy nhiên, cả hai vị lãnh đạo này đều thừa nhận, độ thâm nhập của các sản phẩm cho vay tiêu dùng, tín chấp của các nhà băng vào đối tượng khách hàng cá nhân vẫn ở mức độ thấp. "Cơ hội thì lớn nhưng cần có thời gian để các ngân hàng biến nó thành lợi nhuận thực, thay vì chỉ dừng lại ở tiềm năng. Tăng trưởng về khách hàng và dư nợ có khá hơn trước, nhưng khoản cho tiêu dùng còn đang khá hạn hẹp và sản phẩm chưa đa dạng", ông Khánh nói.
Trên thực tế, sau Tết âm lịch thường là thời điểm cho vay tiêu dùng, tín chấp tăng trưởng kém. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, cho vay tiêu dùng tăng mạnh nhất vào cuối năm. "Tầm này ra Tết, người dân có vẻ ngại mua xe, mua nhà. Việc mua sắm của khách hàng thường rơi nhiều vào thời điểm sát Tết nguyên đán", ông nói.
Mặc khác, đâu đó vẫn còn tâm lý e dè của người vay tiền trước vấn đề lãi suất. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc khuyến khích cho vay tiêu dùng góp phần kích cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các ưu đãi thường có thời gian ngắn, sau đó các nhà băng áp dụng lãi suất thả nổi.
"Khách hàng đi vay phải thận trọng về vấn đề này và phải tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng để tránh rủi ro về sau", một chuyên giá khuyên.
Thanh Lan - Hoài Thu