Hôm nay Hà Nội tiếp tục nắng nóng, từ 7h nhiệt độ đã lên 30, dự báo cao nhất ngày 39 độ C. Tại điểm thi trường THCS Lê Quý Đôn - Cầu Giấy, hầu hết thí sinh có mặt từ 7h và vào phòng thi luôn chứ không phải đứng ngoài chờ đợi. Đồ dùng cá nhân, balo được xếp ngăn nắp trên bàn trước mỗi phòng thi. Lãnh đạo điểm thi, thanh tra đi từng phòng kiểm tra cơ sở vật chất, dặn dò giám thị và thí sinh.
Nhà ở Hà Đông nhưng phải dự thi ở điểm trường THCS Lê Quý Đôn - Cầu Giấy, cách nhà chừng 13 km, Khổng Phạm Minh Anh, học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm, phải dậy từ sớm để đảm bảo đến trước 7h. "Đây là kỳ thi quan trọng nhất từ tiểu học đến giờ, lại phải thi ở ngôi trường xa lạ, em rất hồi hộp, lo có điểm gì đó không suôn sẻ", Minh Anh nói.
Minh Anh đăng ký vào lớp chuyên Tiếng Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và trường THPT Yên Hòa. Vì cả hai trường đều nằm trong top đầu của thành phố, năm lớp 9 Minh Anh dồn sức học. Từ chỗ không học thêm, dành nhiều thời gian đi chơi, nữ sinh bắt đầu đăng ký các lớp học thêm ngoài 8 tiết ở trường mỗi ngày. Em ngủ vào 10h tối hàng ngày và thức dậy vào 4h30 sáng hôm sau để học trước khi đến trường bởi thấy "học sáng dễ vào hơn".
Dù chuẩn bị kỹ cả về kiến thức và tinh thần, Minh Anh vẫn lo lắng môn Văn. "Có quá nhiều tác phẩm phải học", Minh Anh nói, hy vọng làm tốt môn thi đầu tiên để "đầu xuôi đuôi lọt".
Ở ngoài cổng điểm thi, thanh niên tình nguyện chuẩn bị quạt giấy, nước, sắp xếp ghế nhựa cho phụ huynh ngồi đợi, nhưng không nhiều người ở lại. Quyết định đợi con tới 10h, chị Thanh Huyền (quận Hai Bà Trưng), chia sẻ: "Tôi dậy từ 4h chuẩn bị đồ ăn sáng cho con rồi cùng con đến điểm thi. Cháu khá lo lắng khi đăng ký nguyện vọng cao nhất vào lớp chuyên Anh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nên tôi muốn động viên con nhiều nhất có thể".
Tại điểm thi trường THPT Phan Huy Chu - Đống Đa, thí sinh đến từ 6h30 và một tiếng sau đã vào hết phòng thi. Nguyễn Phương Nhi, học sinh trường THCS Phương Mai (quận Đống Đa) chia sẻ, thấy khá thoải mái. Trong ba môn thi, Nhi học khá Văn và có thế mạnh về phần truyện ngắn. "Em thích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa nên hy vọng vào truyện này để hoàn thành tốt bài thi", Nhi nói.
Dự thi tại điểm trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), Thu Trang, học sinh trường THCS Nghĩa Tân, cũng rất tự tin. Đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Cầu Giấy, ngôi trường có điểm chuẩn cao thứ 6 năm ngoái, nhưng Trang không tự gây áp lực cho mình. Thay vì học thêm tối ngày, em chọn chiến thuật học đâu chắc đó, không học tủ. Ở hai lần thi thử tại trường, Trang đạt kết quả tốt, điểm lần sau cao hơn lần trước nên em hy vọng thi thật điểm cũng cao.
8h, thí sinh bắt đầu làm bài Ngữ văn tự luận, thời gian 120 phút. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung kiến thức đề thi sẽ giảm tải nhằm giảm áp lực cho học sinh sau 3 tháng nghỉ học phòng Covid-19.
Năm nay, toàn thành phố có hơn 107.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó 88.920 em dự thi vào lớp 10. 113 trường công lập tuyển 64.110 chỉ tiêu, công lập tự chủ gần 2.800. Những em không vào công lập sẽ học trường ngoài công lập (hơn 21.400 chỉ tiêu), trung tâm giáo dục thường xuyên (hơn 8.000) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gần 8.500).
Thí sinh thi trong hai ngày 17-18/7 với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, ít hơn một môn so với năm ngoái. Nguyên tắc tuyển sinh như sau: Điểm xét tuyển = (Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Ngữ văn) x 2 + Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên. Trong đó điểm bài thi tính theo thang 10 và chỉ xét thí sinh có đủ bài thi, không vi phạm quy chế đến mức hủy bài thi, không có bài thi bị điểm 0.
Những em dự thi hệ chuyên của bốn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây thi ba môn theo lịch chung, sau đó làm bài thi chuyên vào chiều 18/7 và sáng 19/7. Học sinh trúng tuyển dự kiến nhập học ngày 3-5/8, nộp hồ sơ bổ sung 12-15/8.