Sau hai ngày (25 và 26/10) tiêm lại Quinvaxem, Sở Y tế Tiền Giang đã quyết định cho huyện Cai Lậy tạm dừng sử dụng loại vắcxin này vì ghi nhận có nhiều trẻ bị phản ứng phụ (hơn 20 trường hợp). Động thái này khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì Quinvaxem vừa được Bộ Y tế quyết định cho tiêm lại sau 5 tháng tạm dừng.
Hiện cả nước có 12 tỉnh tái sử dụng vắcxin Quinvaxem. Ngoài Tiền Giang, có 3 địa phương là Hải Phòng, Kiên Giang và Thái Nguyên cũng báo cáo có phản ứng sau khi tiêm với tổng số 50 ca. Đây chủ yếu vẫn là các phản ứng nhẹ thông thường.
Cục Y tế Dự phòng sẽ có công văn gửi UBND và Sở Y tế Tiền Giang yêu cầu chỉ đạo các bên liên quan tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân hiểu về việc tiêm chủng phòng bệnh, không để người dân hoang mang khi cho trẻ đi tiêm chủng.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ Sở Y tế Tiền Giang. Theo báo cáo, đa số trẻ nhập viện có biểu hiện sốt, sưng tấy chỗ tiêm. Đây chỉ là phản ứng của thành phần ho gà toàn tế bào trong vắcxin. Tất cả các trường hợp nhập viện đều được theo dõi chặt chẽ, không bé nào có biểu hiện đáng lo ngại.
Theo ông Phu, việc hàng chục trẻ nhập viện nhiều khả năng do tâm lý. Trẻ sau tiêm Quinvaxem thường có biểu hiện sốt, mệt, sưng tấy vết tiêm khiến cha mẹ lo lắng nên đưa con nhập viện. “ Đây là việc làm hết sức bình thường, thận trọng cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, việc này dễ xảy ra phản ứng hàng loạt, khi một mẹ đưa con vào viện các mẹ khác cũng lo lắng đưa theo”, ông Phu nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng, biểu hiện sốt nhẹ và phản ứng tại chỗ sau tiêm như: sưng nóng, bỏng và đau, hơi kích thích một chút là phản ứng nhẹ thông thường cho phép trên trẻ nhỏ sau khi tiêm vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ này khá phổ biến khi dùng vắcxin có thành phần ho gà toàn tế bào (trên 10%).
Phản ứng này không gây nguy hiểm đến tính mạng. Dù vậy, tiến sĩ Hiển cũng lưu ý có thể một số trường hợp phản ứng nặng hơn một chút, như co thắt kéo dài, tím tái, co giật; chiếm khoảng 1/1000 và tỷ lệ sốc phản vệ còn thấp hơn nữa.
Thực tế hiện nay, một số nước trên thế giới đã chuyển sang dùng vắcxin ho gà vô bào thế hệ mới thay thế cho thành phần ho gà toàn tế bào. Theo nhiều chuyên gia, chính thành phần ho gà toàn tế bào trong vắcxin Quinvaxem làm tăng tỷ lệ phản ứng phụ lên nhiều.
Phát biểu tại một hội thảo gần đây, phó giáo sư Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng chia sẻ, vắcxin ho gà toàn tế bào chứa 3.000 kháng nguyên. Cơ thể trẻ sau khi tiêm ngừa phải phản ứng với 3.000 kháng nguyên, những phản ứng của cơ thể như sốt, đau, phản ứng nặng sẽ rất cao. Nếu sử dụng loại vô bào chỉ có từ 3-5 kháng nguyên thì phản ứng ở trẻ giảm và an toàn hơn rất nhiều.
Cuối tháng 9 vừa rồi, Bộ Y tế quyết định cho tiêm vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem sau 5 tháng tạm ngừng sử dụng. Quyết định này đã được Bộ Y tế cân nhắc sau khi có những kết quả điều tra cẩn thận về chất lượng của vắcxin của các tổ chức trong và ngoài nước. Tất cả đều khẳng định vắcxin này an toàn.
Vắcxin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Từ đó đến nay đã có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Kết quả đánh giá độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, trong số này 27 ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm vắcxin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại là không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắcxin.
Quinvaxem ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi, được Tổ chức Y tế Thế giới tiền kiểm định về chất lượng. Khi nhập về Việt Nam, vắcxin này lại được Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế tái kiểm định. Vắcxin đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều.
Nam Phương - Hà An