Tại cuộc họp báo sáng nay (24/4), Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm, với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn 1,2-1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm.
Trong ba tháng đầu năm, gần một triệu lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 523.000 người tạm thời không tham gia lực lượng lao động, hơn 403.000 lao động bị thiếu việc và hơn 47.000 người tạm nghỉ vì bị giãn việc, ngừng sản xuất.
Tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng tăng lên gần 5 triệu. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (1,2 triệu lao động), tiếp theo là ngành bán buôn, bán lẻ (1,1 triệu lao động), ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (740.000 lao động). Trong số này, 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, và 13% là mất việc.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất 5 năm. Theo GSO, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I là 2,22%, tăng 0,07% so với quý trước và 0,05% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức thấp dù hàng triệu lao động bị ảnh hưởng. Về việc này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động cho biết, các lao động bị dừng, giãn việc hoặc mất việc tạm thời không được GSO tính trong nhóm thất nghiệp. Ngoài ra, khác với những nước phát triển, những lao động tại Việt Nam dù bị mất việc trong các nhà máy nhưng không thực sự là người thất nghiệp do họ có thể làm thêm những công việc bán thời gian. Điều này dẫn tới thực trạng tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp nhưng tỷ lệ thiếu việc làm lại cao hơn các nước khác.
Tốc độ tăng thu nhập của người lao động quý I/2020 so với cùng kỳ chưa bằng một nửa của năm ngoái.
Trong thống kê của cơ quan chức năng, số người lao động bị ảnh hưởng nửa đầu tháng 4 lại tăng đột biến so với quý I (từ mức một triệu lên 5 triệu lao động). Lý giải việc này, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Thống kê cho biết, số liệu quý I được điều tra tới ngày 11/3, bao gồm cả tháng 12/2019, tháng 1 và 2/2020. Trong khi đó, số liệu đến giữa tháng 4 bao gồm phần còn lại của tháng 3 và nửa đầu tháng 4.
"Ảnh hưởng của Covid-19 trong tháng 12, 1 và 2 là chưa rõ nét nên số liệu quý I chưa phản ánh hết sự tác động", ông Vinh nói. Tới kỳ điều tra tiếp theo là quý II, bức tranh về thị trường lao động sẽ phản ánh rõ hơn sự ảnh hưởng của dịch bệnh.
Khảo sát của cơ quan thống kê cũng cho biết, gần 85% doanh nghiệp được hỏi trả lời gặp khó khăn do Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với tỷ lệ 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm.
Trước đó, trong cuộc họp cuối quý I, Tổng cục Thống kê cho biết GDP quý I ước tính chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kỳ và thấp nhất trong 11 năm gần đây.
Minh Sơn