Thông tin được bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết tại tọa đàm giải pháp hạn chế tranh chấp lao động do Liên đoàn lao động thành phố tổ chức, sáng 5/5.
Trong số doanh nghiệp nói trên, khoảng 25.000 doanh nghiệp nợ 1-3 tháng với hơn 1.500 tỷ đồng, gần 6.400 đơn vị nợ trên 12 tháng với hơn 1.700 tỷ đồng. So với kế hoạch thu, tỷ lệ này chiếm 6,84% tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021.
Nguyên nhân nợ bảo hiểm tăng cao, Bảo hiểm xã hội TP HCM cho biết nhiều doanh nghiệp thành lập, hoạt động nhưng không khai báo lao động, cố tình không tham gia hoặc đóng không đủ với mức lương chi trả, chiếm dụng quỹ. Ngoài ra, Covid 19 kéo dài nhiều doanh nghiệp khó khăn, không thể duy trì sản xuất nên chậm đóng, để nợ.
Đáng chú ý, nhiều công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân một thời gian dài rồi "biến mất" khỏi địa bàn. Trong khi đó, việc xử lý doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan này cho biết đã đề nghị công an xử lý hình sự một số trường hợp nợ kéo dài, trốn đóng bảo hiểm, ảnh hưởng nhiều lao động. Tuy nhiên đến nay chưa doanh nghiệp nào bị khởi tố, dẫn đến tình trạng "lờn thuốc". Cuối năm ngoái, riêng số nợ dưới một tháng và nợ khó thu ở TP HCM hơn 1.400 tỷ đồng.
Người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Họ không được hưởng quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...; khi nghỉ việc không được chốt sổ để nhận tiền trợ cấp. Để đảm bảo các chế độ cho người lao động ở những nơi nợ bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội TP HCM cho phép doanh nghiệp tách riêng các trường hợp này ra đóng trước.
TP HCM là địa phương có thu, chi bảo hiểm xã hội lớn nhất nước. Hiện, Bảo hiểm thành phố quản lý hơn 110.000 doanh nghiệp, đơn vị với hơn 2,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hơn 51.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 8,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Lê Tuyết