Ý kiến được TS Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa đô thị học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, nêu tại hội thảo xây dựng WebGIS phục vụ quản lý quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng ở thành phố, ngày 14/2.
Theo ông Trương, các tuyến đường ở TP HCM là mạng lưới đồ sộ, chằng chịt, nên hệ thống tên rất phức tạp. Ngoài việc thành phố có quy mô lớn, tên đường trên địa bàn còn là dấu tích lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển, sau đó là tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Hiện, TP HCM có khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có và sẽ có thêm nhiều tuyến mới xuất hiện theo sự phát triển đô thị.
Theo ông Trương, tại thành phố đang có 311 đường trùng với 132 tên; 38 tên đường đặt không chính xác nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Ngoài ra còn nhiều đường khác đặt tên chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến...
"Các khu đô thị mới hình thành kéo theo xuất hiện nhiều khu dân cư, nhiều đường mới, nhưng quỹ tên đường cùng các thủ tục chưa đáp ứng kịp sự phát triển này", ông nói và cho rằng điều đó dẫn đến nhiều đường không có tên, tên đặt tự phát không đúng chuẩn...
TS Trương cũng cho biết ở khu vực trung tâm thành phố, các tuyến đường hiện ổn định, không phát sinh và cần đặt tên mới, song đang có tình trạng tên đường bị sai hoặc trùng. Trước đó qua khảo sát, đơn vị nghiên cứu cho biết tại thành phố có 38 đường tên không chính xác, nhiều nhất ở quận 1 và 5, với tổng 14 tuyến, như Lê Thánh Tôn (chính xác là Lê Thánh Tông), Hồ Huấn Nghiệp (chính xác là Hồ Huân Nghiệp), Ký Hoà (Chí Hoà)...
Sở Văn hoá và Thể thao thành phố cũng đã đề xuất đổi tên các tuyến đường trên. Do vậy, ông Trương cho rằng trước mắt cần ưu tiên đổi 38 tên đường nêu trên, vì nếu thay đổi lớn gây nhiều xáo trộn cho người dân. "Các đơn vị liên quan việc đặt, đổi tên đường cần phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ví dụ như sau khi cập nhật lại tên đường, trong giấy giấy tờ chung của hộ gia đình, cá nhân cần có giấy xác nhận để người dân khi làm các giao dịch hành chính không bị ảnh hưởng nhiều", ông Trương nói.
Trước đó từ năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển đã thực hiện đề án "Công tác đặt đổi tên đường và công trình công cộng tại TP HCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020". Đề án sau đó tiếp tục triển khai với việc xây dựng cơ sở dữ liệu WebGIS, để hoàn chỉnh hệ thống tên đường. Đây là một trong giải pháp cho phép quản lý, phân tích, cập nhật, phân phối thông tin bản đồ và thông tin địa lý (GIS) trên Internet.
Theo Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP HCM, việc ứng dụng công nghệ GIS vào hệ thống đường và công trình công cộng hiện đã phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa có công cụ WebGIS hỗ trợ quản lý tên đường, công trình công cộng. Do đó, hệ thống WebGIS cần thiết cho việc quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường ở thành phố, hạn chế tình trạng tên đường không đúng chuẩn.
Tại hội thảo, một số chuyên gia cũng đề xuất mỗi tên đường nên có một mã QR code cung cấp thông tin; mở rộng kho dữ liệu tên đường bằng bổ sung tên nhân vật lịch sử có công với đất nước, nhân vật nhiều đóng góp cho thành phố qua các thời kỳ...
Hiện việc đặt đổi tên đường làm theo Nghị định 91 của Chính phủ. HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ lập Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, giúp nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt hoặc đổi tên; lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Hạ Giang