Chiều 5/12, ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, cho biết số doanh nghiệp cần tuyển mới nhân công nói trên đã được công đoàn liên hệ để giới thiệu đến công nhân. Trước đó, từ tháng 10 khi nhận thấy nhiều nhà máy giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng, cắt giảm lao động, địa phương đã đưa ra giải pháp hỗ trợ người lao động.
Hiện, thông tin tuyển dụng của gần 40 doanh nghiệp được cập nhật tại địa chỉ congdoanbinhduong.org.vn và trang facebook công đoàn Bình Dương. Các nhà máy được phân loại theo địa bàn, kèm số điện thoại của bộ phận tiếp nhận để người lao động dễ dàng liên hệ. Ngoài ra, cán bộ công đoàn đưa các mẩu tuyển dụng về các khu trọ, đăng lên các hội nhóm để lao động nắm, chủ động tìm việc. Công đoàn các cấp sẽ tiếp tục cập nhật danh sách này đến tháng 3/2023.
Một số nhà máy muốn tuyển số lượng tuyển lớn như Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam ở Dĩ An cần tuyển 500 công nhân; Công ty TNHH ASG Vina chuyên may ba lô túi xách ở Thuận An, cần tuyển 100 công nhân may; Công ty TNHH LC Foods ở Bến Cát, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, cần tuyển dụng 200 lao động; Công ty TNHH All Green Vina ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, sản xuất lông mi nhân tạo, tuyển mới thêm 500 lao động...
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty Yazaki EDS Việt Nam, cho biết sau dịch một số cứ điểm sản xuất ở các nước của Tập đoàn Yazaki Nhật Bản, chuyên về dây dẫn điện ôtô, bị ảnh hưởng nên đơn hàng đổ về nhà máy tại Dĩ An. Mức lương căn bản dành cho công nhân mới là 5,13 triệu đồng mỗi tháng, tính thêm phụ cấp, tăng ca, thu nhập, thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Lao động nhận việc lúc này sẽ được tính thưởng Tết dựa trên thời gian làm việc.
Theo số liệu của cơ quan chức năng Bình Dương, từ tháng 7 đến 11, hơn 37.700 lao động trên địa bàn nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng. Không ít doanh nghiệp gỗ, giày da, may mặc hoạt động cầm chừng, làm việc cách nhật, nghỉ luân phiên với số lao động bị ảnh hưởng lên tới 240.000 người. Nhiều nhà máy phải cho công nhân nghỉ Tết sớm, bắt đầu từ tháng 12.
Mới đây Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát 37 doanh nghiệp, quy mô 1.000-50.000 người, trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, cho thấy kết quả không mấy khả quan về tình hình việc làm, lao động.
Theo đó, hơn 40% được khảo sát cho biết có cắt giảm lao động, gần 46% giữ nguyên và chỉ có 13,5% cần tuyển thêm lao động. Ngoài ra hơn 54% doanh nghiệp phải giảm giờ làm của người lao động. Về tình hình sắp tới, có 68% công ty dự đoán đơn hàng tiếp tục giảm, 9% doanh nghiệp đơn hàng tăng và 23% đơn vị tham gia khảo sát trả lời chưa biết.
Lê Tuyết