Bão Pabuk (Việt Nam gọi là bão số 1) dự kiến đổ bộ vào đất liền Thái Lan khoảng 19h ngày 4/1. Điểm đón bão đầu tiên nằm gần quần đảo Chumphon, ở biên giới phía đông của các tỉnh Surat Thani và Nakhon Si Thammarat (Thái Lan) với các cơn mưa lớn.
Kittipop Roddon, huyện trưởng của đảo Koh Samui, trả lời CNN rằng có khoảng 20.000 khách đang nghỉ tại hòn đảo lớn thứ hai tại Thái Lan. "Nơi này hiện hoàn toàn chia cách khỏi đất liền, mọi phương tiện đã dừng hoạt động từ hôm qua (3/1)", ông nói và cho biết thêm, có đủ thức ăn và nhu yếu phẩm trên đảo để người dân và du khách vượt qua cơn bão.
Ngoài ra, khoảng 15.000 du khách đang mắc kẹt ở trên Koh Phangan và 4.000 người ở Koh Tao. Huyện trưởng của đảo Koh Phangan và Koh Tao bày tỏ mối lo ngại rằng tình hình sẽ khó khăn nếu các lực lượng khẩn cấp phải thực hiện bất kỳ cuộc giải cứu nào trên đảo, do vị trí xa đất liền.
Sân bay Nakhon Si Thammarat hiện phải đóng cửa. Bangkok Airlines tuyên bố hủy mọi chuyến bay đến và đi từ Koh Samui vào 4/1 "vì lý do an toàn". Một số nhân chứng ở Koh Samui trả lời CNN rằng hòn đảo hiện yên ắng hơn, với những quầy hàng trong các cửa hiệu trống trơn. Người dân gia cố nhà cửa bằng các tấm ván gỗ, đặt bao cát ngoài bờ biển, và chuyển tàu đánh cá vào nơi an toàn.
"Ở đây khá đáng sợ vì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, cũng chẳng có cách nào để rời khỏi đây", Miranda Abidyer, 26 tuổi, trả lời CNN. Nữ du khách Mỹ tới đảo Koh Samui cùng gia đình nhỏ để mừng sinh nhật 30 tuổi của chồng. Theo lịch trình, họ rời hòn đảo vào hôm nay, song mọi chuyến bay và tàu bè đã bị cho dừng hoạt động.
Abidyer cho biết, gia đình cô sẽ tiếp tục nghỉ trong căn villa riêng, cách bờ biển 1,6 km: "Chúng tôi sẽ trốn trong phòng tắm nếu bão quá dữ dội. Nhưng tất cả những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là chờ đợi".
Trước đó, cơn bão Gay đổ bộ năm 1989 đã khiến hơn 900 người ở khu vực vịnh Thái Lan thiệt mạng. Năm 1962, một cơn bão nhiệt đới ở miền nam Thái Lan cũng khiến hơn 900 người chết.