Theo Japan Times, trong một cuộc thăm dò ý kiến do chính phủ Nhật Bản tiến hành với hơn 9.600 lao động nữ thông qua đường bưu điện hoặc trả lời trực tuyến, 29% người trả lời nói rằng họ bị quấy rối tình dục nơi công sở. Kết quả khảo sát được công bố hôm qua.
Những hình thức quấy rối phổ biến nhất là bàn tán về ngoại hình hay tuổi tác của họ, tỷ lệ này chiếm 54%. Loại quấy rối thường gặp thứ hai là bị sờ mó, chiếm 40%; tiếp theo là bị hỏi những câu liên quan đến tình dục, chiếm 38%. 27% bị hỏi về chuyện ăn uống và hẹn hò.
68% số người tham gia khảo sát cho biết họ giữ thái độ im lặng khi bị quấy rối, mặc dù không muốn. Cuộc khảo sát không nêu lý do họ giữ im lặng. Khoảng 10% dám phản kháng, lên tiếng khi bị quấy rối nhưng đổi lại, họ phải chịu đối xử bất công như bị giáng chức.
Trong số 145 quốc gia và nền kinh tế do Diễn đàn Kinh tế Thế giới nghiên cứu về "khoảng cách giới tính", đánh giá mức độ công bằng mà phụ nữ được đối xử dựa trên các chỉ số kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chính trị, Nhật Bản xếp thứ 101, thấp hơn nhiều quốc gia phát triển khác.
Đến nay, chính sách khuyến khích phụ nữ đi làm và thăng tiến trong công việc của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn chưa thu được nhiều kết quả. Ông Abe đặt mục tiêu 30% vị trí lãnh đạo các công ty vào năm 2020 do phụ nữ đảm nhận, nhưng theo các chuyên gia đánh giá, Nhật Bản rất khó đạt được mục tiêu này, theo Guardian.
Hiện phụ nữ chỉ chiếm 8% vị trí lãnh đạo trong các công ty có quy mô 100 nhân viên trở lên ở Nhật Bản, ít hơn nhiều so với con số 22% trung bình của thế giới, theo báo cáo năm 2015 của Grant Thornton International Business.
Xã hội Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa, thiếu lao động. Phần lớn phụ nữ Nhật Bản đều có trình độ văn hóa cao, nhưng lại thiếu việc làm phù hợp. Các nhà kinh tế dự đoán, Nhật Bản còn phải đi một chặng đường dài nữa, mới tận dụng được tốt hơn nguồn lao động này.
Tại nhiều công ty, phụ nữ chỉ làm những công việc bán thời gian, vì người chồng hiếm khi giúp vợ làm việc nhà. Nghiên cứu cũng ghi nhận nhiều phụ nữ phàn nàn vì bị "quấy rối lúc mang thai", như bị ép bỏ việc nếu có thai, hoặc bị gợi ý nghỉ việc.
Trong nghiên cứu trên, chính phủ Nhật Bản không đề xuất bất kỳ phương án cụ thể nào để thay đổi tình trạng quấy rối nơi công sở, như áp dụng hình phạt cứng rắn hơn đối với hành vi quấy rối hoặc phân biệt đối xử.
Hồng Hạnh