Thông tin được bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, cho biết ngày 10/1. Trong năm 2023, số lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tăng 10% so cùng kỳ. Họ bị mất việc do các doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc một số khác muốn chuyển đổi công việc.
Trong hơn 166.000 người thất nghiệp, lao động dưới 24 tuổi chiếm 8%, 62% thuộc nhóm 25-40 tuổi, tỷ lệ này ở lao động ngoài 40 tuổi là 29%. Tuy nhiên, khi so sánh qua các năm, tỷ lệ lao động trên 40 tuổi mất việc trong tổng số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp đang tăng, năm 2023 gấp 1,6 lần thời điểm 2021.
Cụ thể, năm 2021, có hơn 29.000 lao động ngoài 40 tuổi mất việc, chiếm trên 26% tổng số người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Tỷ lệ này năm 2022 là trên 27%, tương đương hơn 40.600 người.
Phân tích nguyên nhân lao động lớn tuổi mất việc tăng, chuyên gia lao động Nguyễn Xuân Sơn, cho rằng khi gặp khó khăn về đơn hàng, kinh doanh, các nhà máy sản xuất buộc phải tính toán lại quy mô lao động. Doanh nghiệp sẽ ưu tiên giữ lại lao động trẻ để tiếp tục đào tạo, chờ phục hồi. Đối với ngành sản xuất thâm dụng lao động nhận lương theo thời gian, lương tăng định kỳ, nhân sự lâu năm đồng nghĩa lương cao nên dễ rơi vào nhóm bị cắt giảm.
Ngoài ra, thời gian qua, tại nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình trạng lao động làm lâu năm, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm cũng chủ động nghỉ để chờ nhận trợ cấp một lần.
Trong hơn 166.000 người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, lao động không có trình độ, bằng cấp chứng chỉ chiếm đến 51%, mức hưởng trợ cấp bình quân hơn 5,5 triệu đồng mỗi tháng.
Theo bà Thục, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày bắt đầu có đơn hàng hoặc mở rộng xưởng có nhu cầu tuyển mới công nhân nới độ tuổi đến 45. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường và cơ hội cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người chỉ muốn nhận trợ cấp, từ chối công việc khi được giới thiệu, điều này dẫn đến tình trạng lao động mất việc nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tuyển được người.
Lê Tuyết