Thông tin được Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thinh báo cáo UBND TP HCM tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm tới, sáng 19/11.
Theo ông Thinh, so cùng kỳ năm ngoái số doanh nghiệp giảm lao động là tương đồng. Nhưng so với 2019-2020 thì đang ở số rất thấp. Con số này năm 2019 là 74 doanh nghiệp và 2020 là 86. "Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan để kết nối cung - cầu từ nơi cắt giảm đến nơi có nhu cầu tuyển dụng mới", ông Thinh nói.
Cụ thể, ngày 10-11/11, Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM đã phối hợp với Phòng Lao động huyện Củ Chi giới thiệu việc làm cho 770 người bị Công ty TNHH Việt Nam Samho cắt giảm đến 6 công ty khác.
Với Công ty TNHH Tỷ Hùng - nơi cắt giảm 1.185 lao động, Sở đang phối hợp với quận Bình Tân và Liên đoàn Lao động kết nối cung - cầu như đã làm với Samho. Tuy nhiên, khó khăn là lãnh đạo doanh nghiệp này hiện chưa tạo điều kiện cho cơ quan chức năng tiếp cận, giới thiệu việc làm cho người lao động mà phải thực hiện ở các trung tâm trên địa bàn quận Bình Tân.
Về giải pháp, ông Thinh cho biết Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nhiều nhà máy, xí nghiệp để giám sát các doanh nghiệp có trên 50 lao động nhằm nắm chắc tình hình sức khoẻ, sản xuất, phương án trả lương, thưởng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba), cho biết nhiều công ty dệt may phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn hàng, đối mặt nhiều khó khăn. Đơn hàng từ quý 4/2021 đến hết tháng 7 nhiều do nhu cầu tăng sau dịch. Tuy nhiên, hiện do lạm phát tăng cao, nhất là ở các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, EU nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng nhiều đến chi phí logistics, nguyên vật liệu. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga chiếm tỷ trọng 90-95% trong khu vực, nhưng sau xung đột thì hàng dệt may Việt Nam vào nước này âm 40-42% so với năm trước. Doanh nghiệp phải đối mặt hàng loạt khó khăn khác như: giá dầu thế giới tăng cao; giá đồng USD tăng mạnh; lãi suất ngân hàng tăng khiến doanh nghiệp lỗ nặng.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết người lao động mất việc tại các vùng lân cận có xu hướng di chuyển về TP HCM để tìm cơ hội việc làm, kéo theo nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Đặc biệt tình hình tín dụng đen dự báo hoạt động mạnh từ nay đến cuối năm, do nhu cầu vay tiền để trang trải cuộc sống.
"Công an thành phố vừa chỉ đạo triệt phá một văn phòng tư vấn luật tại quận 12 với diện tích chưa đầy 300m2, có 220 nhân viên làm nhiệm vụ đòi nợ liên quan đến tình hình tín dụng đen", ông Nam nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở LĐTBXH bám sát tình hình sản xuất liên quan lao động, an sinh xã hội. "Đừng say sưa với tình hình tốt rồi trở tay không kịp, nhất là với thành phố đông dân như chúng ta", ông nói và cho rằng không chỉ công nhân mất việc tại TP HCM, mà ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, cũng sẽ là "gánh nặng" với thành phố.
Hiện TP HCM có gần 249.000 doanh nghiệp với hơn 4,9 triệu lao động. Trong đó, đến nay gần 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 345.000 người so với năm ngoái và tăng 100.000 người so 6 tháng đầu năm. Năm nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho khoảng 315.500 lượt người, đạt 105,1% kế hoạch năm. 10 tháng đầu năm nay, TP HCM có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2021 (cả năm có 122.700 người nhận trợ cấp thất nghiệp).
Thái Anh