-
Cả nước có 21,9 triệu học sinh, 1,5 triệu sinh viên
Sáng 5/9, hơn 21,9 triệu học sinh cả nước từ mầm non đến THPT dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng phải được tổ chức ngắn gọn, hướng đến học sinh, nên hầu hết trường lựa chọn khung giờ 7h30 đến 9h.
Thời tiết cả nước tạnh ráo, thuận tiện cho thầy và trò dự lễ. Tuy nhiên, ba trường ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và một trường ở huyện Con Cuông (Nghệ An) phải lùi lễ khai giảng do trường học bị mưa lũ tàn phá, đường đến trường bị chia cắt. Ngoài ra, còn ba trường ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và một điểm lẻ ở xã Phúc Sạn (Mai Châu, Hòa Bình) học sinh phải đi khai giảng nhờ địa điểm khác do đường chưa thông tuyến sau mưa lũ.
Trước đó từ ngày 29/8 đến 3/9, do ảnh hưởng kết hợp của rãnh áp thấp và vùng xoáy thấp, miền Bắc và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to, gây ngập lụt ở nhiều nơi. Các huyện miền núi bị lũ quét và sạt lở đất, tàn phá nhiều nhà dân và trường học.
Riêng 1,5 triệu sinh viên tổ chức khai giảng riêng, tùy thuộc vào chương trình của từng trường.
-
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Thầy cô bình tĩnh trước thách thức của đổi mới"
Năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định có 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp cần thực hiện, trong đó có quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đại học; phát triển đội ngũ giáo viên; kiên cố hóa trường lớp và đẩy mạnh tự chủ đại học...
Ở nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục quy định các chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn cách tổ chức để địa phương thực hiện. Quan điểm thực hiện là chú trọng tính khoa học, hợp lý trong sắp xếp, tránh tình trạng làm máy móc.
Nhiệm vụ phát triển đội ngũ được xác định là mấu chốt thành bại của đổi mới giáo dục. Do đó, trước thềm năm học mới, Bộ đã ban hành Thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng. "Đây là bước tiến rất lớn vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ quản lý giáo dục thì việc đầu tiên là phải sửa các chuẩn", ông Nhạ nói và cho biết các chuẩn này đều được lấy ý kiến nhiều vòng từ giáo viên trong nước và chuyên gia nước ngoài.
Căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo lại đội ngũ này. Hiện nay, Bộ đánh giá bước đầu các cán bộ, giáo viên đã rất quan tâm, tự soi, sửa để tự học và phát triển.
"Chương trình dù rất tốt, giáo viên dù được bồi dưỡng, nhưng điều kiện để thực hiện chương trình, đặc biệt với cấp tiểu học không đủ 2 buổi/ngày thì thời lượng để thầy cô truyền tải, tổ chức dạy học sẽ rất khó khăn", ông Nhạ nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ kiên cố hóa trường lớp, cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước thềm khai giảng, nhiều trường học ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất do mưa lũ. Bộ trưởng Giáo dục đã lên Sơn La (ngày 1/9) và phân công lãnh đạo Bộ làm việc với địa phương, động viên thầy cô, học sinh vượt qua khó khăn.
Nhắn nhủ với thầy cô trước năm học mới, Bộ trưởng Nhạ nói: "Trước khó khăn, thách thức của đổi mới, các thầy cô hết sức bình tĩnh để cùng toàn ngành vượt qua. Tôi tin rằng các thầy cô với sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm sẽ thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình".
Với học sinh, Bộ trưởng chúc các em chăm ngoan, học giỏi và có một năm thành công dù đối mặt với nhiều nhiệm vụ học tập, định hướng đổi mới và nhiều cơ hội phía trước. Ông đồng thời mong phụ huynh cùng đồng hành để nhà trường - gia đình - xã hội kết hợp hài hòa và tạo ra hệ sinh thái tốt cho phát triển giáo dục.
-
Hà Nội có tới 180.000 học sinh lớp 1, tăng 30.000 so với năm trước
Năm học 2018-2019, thành phố Hà Nội có gần 2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, riêng lớp 1 là 180.000, tăng 30.000 so với năm học trước. Đây là áp lực lớn đối với hệ thống trường lớp vốn thiếu thốn của thủ đô. Nhiều lớp 1 trong quận nội thành có sĩ số học sinh lên đến 60-68, cao gần gấp đôi so với chuẩn 35 học sinh/lớp. Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là trường có đông học sinh lớp 1 nhất thành phố với 1.140, bằng xấp xỉ học sinh toàn trường học khác.
Sáng 5/9, hơn 1.140 bé lớp 1 của tiểu học này cùng 1.800 anh chị khối lớp 2-5 có mặt đông đủ tại sân trường, tham dự lễ khai giảng năm học mới. Học sinh của 23 lớp 1 ngồi kín nửa phía trên sân trường, có bé cười đùa cùng chúng bạn, bé khóc mếu đòi mẹ, nhiều em ngáp ngủ vì dậy sớm. Học sinh đông, những chiếc quạt lớn không đủ sức làm mát khiến cô giáo phải đứng xen giữa quạt tay cho các em.
“Trong ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường, tất cả 2.980 học sinh gồm cả hơn 1.000 em lớp 1 của tiểu học Chu Văn An đều được đến trường dự lễ khai giảng. Năm học mới chúng tôi mong muốn thầy trò có nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra; thầy cô sẽ đem hết tâm huyết dạy dỗ học sinh để có kiến thức vững vàng, trải nghiệm thú vị”, Hiệu trưởng Lê Thị Thêu nói.
Dẫn con đến khai giảng ở trường tiểu học đông học sinh lớp 1 nhất Hà Nội, phụ huynh Lê Thị Hợp có chút lo lắng. Bé Minh Đức, con chị trước học mẫu giáo tư thục nên được cưng chiều, nay chuyển cấp vào học trường công. Để chuẩn bị cho con vào cấp học mới, chị Hợp phải hướng dẫn con nhiều kỹ năng tự lập, tự vệ sinh, ăn uống...
“Tôi không tưởng tượng nổi học sinh lớp 1 của trường năm nay lại đông kỷ lục thế này. Trường thiếu lớp nên các con chỉ học 8 buổi/tuần, gây khó khăn cho phụ huynh vì phải nghỉ trông con vào ngày nghỉ giữa tuần. Tôi mong nhà trường sắp xếp cho học sinh học đủ 10 buổi để bố mẹ an tâm đi làm”, chị Hợp nói.
-
Chủ tịch nước dự lễ khai giảng tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)
Đúng 7h20, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có mặt tại trường THPT Chu Văn An để cùng hơn 1.800 học sinh dự lễ khai giảng.
Đặng Nhật Minh (học sinh lớp 12 chuyên Hóa) chia sẻ dù đây là lần khai giảng thứ 12, cảm xúc trong em rất khác bởi nhà trường được đón những vị khách đặc biệt. “Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời em”, Minh nói.
-
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai giảng nơi cơn lũ vừa đi qua
Sáng nay, gần 500 học sinh cùng thầy, cô giáo, phụ huynh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum vui mừng đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.
Trường được thành lập từ năm 2006, tại huyện vùng sâu, vùng xa, khó khăn bậc nhất của tỉnh Kon Tum. Học sinh tại trường đa số người đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng. Trước thềm ngày khai giảng, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông vừa trải qua trận lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Sau trận lũ, thầy và trò nhà trường đã bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả, chuẩn bị cho một năm học mới.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà thầy trò nhà trường đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần khắc phục hậu quả của trận lũ vừa qua, nhanh chóng ổn định để bước vào năm học mới của thầy và trò nhà trường.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới toàn diện, căn bản; thực hiện từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang giáo dục toàn diện, chú trọng phẩm chất và năng lực học sinh. Muốn vậy, phải thay đổi từ tư duy, nhận thức, phương pháp, kỹ năng của người thầy trong vai trò mới dẫn dắt, hướng dẫn học sinh.
Thủ tướng gửi lời chúc tới các học sinh, các thầy cô giáo nhân dịp năm học mới đạt nhiều kết quả tốt đẹp, đồng thời mong muốn chất lượng giáo dục tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông ngày càng đi lên...
Nhân dịp này, Thủ tướng tặng 500 bộ sách giáo khoa cho học sinh của huyện; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng 50 triệu đồng và Bộ trưởng Bộ Y tế tặng 50 triệu đồng cho nhà trường.
-
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình kêu gọi thầy trò Đà Nẵng cùng đổi mới giáo dục
Sáng nay Đà Nẵng nắng nhẹ, hơn 500 học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Phù Đổng đội mũ bảo hiểm, cầm lá cờ Tổ quốc, được các anh chị khối lớp 4, 5 chào đón vào trường bằng những tràng pháo tay. Nhiều em đi chưa theo hàng lối, mặt còn ngái ngủ.
Kết thúc nghi thức đón học sinh mới, đại diện lớp 4, 5 tặng hoa cho 12 em nhỏ của 12 lớp 1. Năm nay trường Phù Đổng được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đến dự, đánh trống khai trường.
Nhắc lại ngày khai trường năm 1945, Phó thủ tướng trích một phần bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tuy vẫn còn hạn chế nhưng giáo dục đã có nhiều điểm tiến bộ, vùng khó khăn được quan tâm, đảm bảo việc tiếp cận dạy và học của học sinh được bình đẳng.
Về dự khai giảng ở ngôi trường có lịch sử 128 năm, Phó thủ tướng mong muốn trường Phù Đổng luôn là lá cờ đầu của ngành giáo dục ở Đà Nẵng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ông kêu gọi giáo viên, học sinh cùng chung tay đổi mới giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hình thành năng lực công dân, đạo đức, trí thức pháp luật, trí thức công dân.
"Tôi mong tất cả các em tích cực học tập và chấp hành luật giao thông, hình thành văn hóa giao thông từ ghế nhà trường", Phó thủ tướng nói và kêu gọi học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, không lái xe khi chưa có bằng lái, tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tuyên truyền luật giao thông cho những người xung quanh.
-
Học sinh tiểu học Đồng Nai không còn học ca ba
Tại trường tiểu học Trảng Dài, TP Biên Hòa, trong tiết trời mát mẻ, từ sáng sớm học sinh được cha mẹ đưa đến trường với niềm hân hoan, vui vẻ.
Anh Văn Tuấn hối hả dẫn con gái vô lớp 1 vào vị trí rồi trở ra để đi làm cho kịp. Anh cho biết trong năm học mới chỉ mong nền giáo dục phát triển để có môi trường tốt cho con học tập. "Cuộc sống vất vả nhưng tôi vẫn luôn cố gắng để con cái học tập tốt", anh Tuấn nói.
Trảng Dài là một trong những trường "nổi tiếng" với tình trạng học ca ba. Tuy nhiên, hai năm nay địa phương đã đầu tư xây dựng mới trường lớp nên học sinh không còn học buổi trưa. Năm nay nhà trường có 6.000 học sinh với 129 lớp, trong đó có 37 lớp 1.
Theo cô Vũ Thị Hằng, Hiệu phó trường Tiểu học Trảng Dài, năm nay có thêm cơ sở mới nhưng nhà trường vẫn phải mượn 6 phòng học của trường THCS Trảng Dài mới đủ.
"Không còn học ca ba là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của chính quyền cũng như ngành giáo dục thành phố. Tuy nhiên tỷ số lớp vẫn còn đông khi trung bình 50 em mỗi lớp", cô Hằng nói.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, toàn tỉnh có 720.000 học sinh bước vào năm học mới. So với năm trước, số học sinh tăng thêm hơn 20.000, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Trong đó TP Biên Hòa có số học sinh cao nhất tỉnh, gần 10.000 em, chiếm gần 50%.
Năm học mới 2018-2019, toàn tỉnh Đồng Nai có 30 công trình trường học mới được đưa vào sử dụng, với 227 phòng học và các hạng mục khác với tổng kinh phí trên 510 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư thêm gần 140 tỷ đồng sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị giảng dạy cho các trường.
-
Hơn 1,6 triệu học sinh TP HCM vào năm học mới
Sáng 5/9, thời tiết tại TP HCM dịu mát. Trên các tuyến đường đổ về trường học, hàng nghìn phụ huynh đưa con em đi khai giảng, nhiều học sinh tự đi bằng xe đạp hoặc xe buýt.
Tại trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), gần 2.700 học sinh tại 64 lớp khẩn trương xếp hàng, chuẩn bị cho lễ khai giảng. Nhiều em tụ thành nhóm, chuyện trò hoặc trao đổi bài vở. "Năm nay em bước vào lớp 12 nên có nhiều lo lắng cho kỳ thi THTP quốc gia sắp tới. Em mong việc thi cử sẽ ổn định", Nguyễn Thị Thanh Hà nói.
Có xuất phát điểm khó khăn với cơ sở hạ tầng chật hẹp, trang thiết bị thiếu thốn song trường THPT Gia Định đã có sự phát triển mạnh. Niềm vui lớn của tập thể thầy cô là nhiều năm gần đây, THPT Gia Định nằm trong top 200 trường có điểm tuyển sinh đại học cao nhất cả nước.
"Năm mới, tôi mong thầy cô ở trường luôn giữ được nhiệt huyết, yêu nghề, luôn sáng tạo đổi mới trong cách dạy vì học trò. Với các em, thầy cô mong trò luôn nuôi dưỡng hoài bão, ý chí và có khát vọng vươn lên", cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân (Phó hiệu trưởng THPT Gia Định) chia sẻ.
Dắt hai con đến trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), ông Vũ Văn Đông nói: "Ngày khai giảng, vui thì ít mà lo lắng thì nhiều, bởi đứa út vào lớp 1 nhưng chưa kịp nhận diện xong mặt chữ, chưa biết cách ghép vần. Tôi mong các con lĩnh hội được kiến thức chuẩn trong chương trình bằng cách dạy thật và học thật".
Lo lắng khi con vào lớp 1 cũng là cảm xúc của nhiều phụ huynh tại TP HCM. Chị Lê Lan Phương (phụ huynh trường Tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5) cho rằng lớp 1 là mốc quan trọng với trẻ nhỏ, bởi việc học chữ và sự định hình kiến thức in đậm trong thời gian này. "Tôi mong con được học theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục, nhẹ nhàng, vừa sức và có nhiều thời gian để vui chơi cùng bạn bè", chị nói.
Năm nay, TP HCM có 1,67 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT và giáo dục thường xuyên (tăng 67.000 em), trong đó bậc mầm non tăng hơn 20.000, tiểu học hơn 26.000. Tổng số giáo viên gần 80.000, công tác tại 2.260 trường học.
Mục tiêu năm học mới của TP HCM là xây dựng được các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ thiết bị dạy học thiết yếu với nhiều phòng học thông minh, đa năng, nhà thể chất. Hệ thống thông tin, quản lý giáo dục theo mô hình quản trị trường học hiện đại.
Học sinh sẽ từng bước được học và hoạt động cả ngày tại trường, có thể học mọi lúc mọi nơi với các ứng dụng công nghệ thông tin. Thành phố sẽ tiếp tục theo chủ trương học sinh phải được học một trong những bộ sách giáo khoa tốt nhất theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, có tính đặc thù địa phương.
Trong khi đó, UBND TP HCM yêu cầu các sở ngành, quận huyện tập trung nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục trong năm học này là "đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực". Đây là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững, đến năm 2030 hệ thống giáo dục phải hiện đại hóa, hội nhập khu vực.
-
Nhiều trường ở Thanh Hóa phải khai giảng gộp ba cấp
Lễ khai giảng ở nhiều huyện của Thanh Hóa bị xáo trộn do mưa lũ phá hủy trường học. Trường Tiểu học Trung Sơn (Quan Hóa) hôm nay vẫn khai giảng theo đúng kế hoạch song gộp chung với trường THCS, Mầm non và tổ chức ở hội trường UBND xã. Cơn lũ chiều 30/8 đã khiến ngôi trường bên sườn đồi gần như bị xóa sổ. Khu nhà 6 phòng học khang trang bị đổ. Ngôi nhà hai tầng còn lại cũng sập một phần, không thể sử dụng.
Thầy Hắc Xuân Phúc, Hiệu trường trường Tiểu học Trung Sơn cho hay, trường có 315 học sinh, trong đó điểm chính hơn 260 em. Do không còn phòng học nên sau khai giảng, nhà trường sẽ phải mượn khu nhà điều hành của đơn vị thi công Nhà máy thủy điện Trung Sơn tổ chức dạy học tạm một thời gian.
"Chưa biết khi nào mới có trường mới", thầy Phúc nói và cho hay hầu hết giáo viên công tác ở trường xa nhà, chủ yếu ở lại trường, nhưng giờ khu nhà nội trú cũng bị hư hại nên trước mắt thầy cô sẽ ở trọ nhà dân.
Các trường học tại xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát cũng chung hoàn cảnh. Thầy Hoàng Lê Thành, Hiệu trưởng Tiểu học Tam Chung cho biết, toàn bộ khu nhà hiệu bộ của nhà trường bị ngập trong bùn đất, thư viện với tất cả sách vở, tài liệu, giáo án cũng bị ngập bùn. Các điểm trường lẻ thuộc Tiểu học Tam Chung đều bị ảnh hưởng, trong đó điểm trường Suối Phái bị nặng nhất, bùn còn ngập 1/2 khu nhà.
-
Học sinh trường cổ Cần Thơ học tạm tại trung tâm giáo dục thường xuyên
Cần Thơ có mưa sớm, tuy nhiên đã tạnh trước 6h30. Trường THPT Châu Văn Liêm năm nay có 1.600 học sinh bước vào năm học mới. Do trường cũ hơn 100 năm đang được tháo dỡ xây dựng mới nên học sinh phải học tạm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều. Với điều kiện sân trường chật hẹp, trường chỉ tổ chức cho học sinh 14 lớp khối 10 dự lễ khai giảng. Các khối lớp 11 và 12 cử đại diện đến dự.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đến dự, đọc thư của Chủ tịch nước và chúc mừng toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh trường Châu Văn Liêm.
Cô Trần Thị Lụa - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, ôn lại truyền thống hình thành phát triển nhà trường. Đây là cái nôi đào tạo nhân tài, lãnh đạo các cấp. Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm nhắn nhủ học sinh phải có lý tưởng sống đẹp, cố gắng học tập vì tương lai chính mình, đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Cần Thơ có hơn 236.000 học sinh các cấp bước vào năm học mới 2018-2019. Trong đó, hơn 39.200 trẻ mầm non, mẫu giáo; hơn 98.300 học sinh tiểu học và hơn 99.350 học sinh THCS, THPT. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên toàn thành phố là 14.120.