Ngày 5/9, học sinh, sinh viên cả nước sẽ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Năm nay ngành giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến hàng loạt sự cố trong năm học vừa qua.
Ngăn chặn gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia
Năm 2018, ngành giáo dục vướng phải bê bối lớn nhất trong lịch sử thi cử mấy chục năm qua. Hàng chục cán bộ, giáo viên các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị bắt giam, khởi tố hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Những người này, bằng nhiều thủ đoạn, đã gian lận sửa chữa bài thi, nâng điểm thi THPT quốc gia cho hàng trăm thí sinh.
Chỉ tính Hà Giang đã có 114 em với 330 bài thi được nâng điểm, có em được tăng đến 29,95 tổng điểm. Sự việc khiến dư luận phẫn nộ, lên án ngành giáo dục đã để những kẽ hở cho một số cán bộ tha hóa làm sai ở kỳ thi quan trọng, quyết định tương lai học tập của học sinh. Dù vậy, việc xử lý gian lận ở Hà Giang phần nào khiến cộng đồng yên tâm khi điểm thi thực tế của thí sinh được trả lại, giúp kết quả xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học được công bằng.
Trong khi đó gian lận ở Hòa Bình, Sơn La đến nay vẫn chưa biết bao nhiêu thí sinh, bài thi được nâng điểm. Đối tượng làm sai đã sửa đáp án vào bài thi gốc của thí sinh trước khi gửi đĩa CD1 quét bài thi về Bộ Giáo dục. Điều này khiến việc chấm thẩm định bài thi gốc không thể thực hiện và cho ra kết quả chính xác.
Trong danh sách thí sinh có điểm trúng tuyển cao vào các trường trong khối quân đội, công an, phần lớn là thí sinh của tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Hòa Bình, Sơn La và Lạng Sơn (tỉnh có nghi vấn gian lận). Các nhà trường dù có những ngờ vực vẫn phải nhận tất cả thí sinh và chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Không ít học sinh, phụ huynh ấm ức vì có thể những em được điểm cao nhờ gian lận đã cướp đi cơ hội đỗ vào trường tốp của con em mình.
Những bê bối của kỳ thi THPT quốc gia 2018 khiến nhiều người đề xuất hủy bỏ phương thức thi này. Tuy nhiên theo lộ trình được đề ra từ trước, kỳ thi THPT quốc gia sẽ kéo dài đến năm 2020. Trong thời gian tiếp tục tổ chức kỳ thi, Bộ Giáo dục phải khắc phục hạn chế và hoàn thiện nó. Đây là nhiệm vụ nặng nề, áp lực bởi ngành cần lấy lại niềm tin của cộng đồng. Người dân đang trông đợi những thay đổi có hiệu quả ở kỳ thi này.
"Bổ sung ngân hàng câu hỏi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích của kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng tập trung hơn, và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh kiểm tra của Bộ Giáo dục", giải pháp được Bộ Giáo dục đề ra trong báo cáo Tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019.
Việc trả lại điểm thi thực tế cho thí sinh các tỉnh đang điều tra gian lận thi cử và xử lý thích đáng các cá nhân sai phạm, thí sinh có liên quan, cũng là nhiệm vụ quan trọng ngành giáo dục cần làm trong năm mới.
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo
Một hạn chế trong công tác tổ chức giáo dục đào tạo năm học 2017-2018 được Bộ Giáo dục thừa nhận là "quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa tốt. Điều này dẫn đến tình trạng khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường, lớp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn".
Hà Nội là minh chứng cho việc thiếu trường lớp. Năm học 2018-2019, thành phố có 1.986.800 học sinh với hơn 2.680 trường học. Riêng số lượng học sinh vào lớp 1 là 180.000, tăng 30.000 so với năm trước. Không đáp ứng được cơ sở vật chất theo quy định 35 em/lớp, cũng không thể từ chối học sinh cấp phổ cập nên nhiều trường ở quận nội đô có sĩ số lớp 1 lên tới 60-68 em.
Thậm chí, trường tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) có số học sinh vào lớp 1 đông tương đương học sinh toàn trường khác, là 1.140. Trường phải bố trí 23 lớp 1, cho các em nghỉ học luân phiên ngày trong tuần để có chỗ cho lớp khác học. Phường nội đô Hoàng Liệt này có 78 chung cư với dân số khoảng 100.000 nhưng chỉ có 2 trường tiểu học.
Một trong những lý do gây quá tải sĩ số lớp học của thủ đô, theo Phó giám đốc Sở Giáo dục Lê Ngọc Quang (trao đổi tại cuộc giao ban báo chí ngày 28/8) là quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa hợp lý. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh thành khác như TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương... nơi có những khu đô thị, khu công nghiệp liên tiếp mọc lên.
"Tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông... Nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển trường mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện. Các địa phương ưu tiên rà soát quy hoạch, đầu tư nguồn lực, dành quỹ đất thỏa đáng để xây dựng trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư", nhiệm vụ được Bộ Giáo dục đề ra.
Việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường sư phạm, cũng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục năm nay.
Chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa mới
"Tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đảm bảo theo lộ trình đặt ra", là hạn chế được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận trong Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018. Trước đó, mục tiêu đặt ra là từ năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Với việc không đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, quan trọng hơn là cần thêm thời gian tập huấn giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng chương trình, Bộ Giáo dục đã chủ động xin lùi thời hạn. Đề xuất này được Quốc hội thông qua, cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới chậm nhất đến năm học 2020-2021.
Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua. Chương trình các môn học vẫn chưa được hoàn tất để ban hành chính thức.
Với hạn chế trên, Bộ Giáo dục xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành năm nay là chuẩn bị tốt nhất điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Cụ thể, Bộ sẽ phải xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa mới; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học từ lớp 1 đến 12, trong đó ưu tiên lớp 1.
Tăng cường cơ sở vật chất
Theo thống kê của Bộ Giáo dục, đến năm học 2017-2018 cả nước có 578.860 phòng học, trong đó còn hơn 147.000 phòng chưa kiên cố, chiếm 25,4%. Tỷ lệ phòng học bộ môn của cấp THCS và THPT chưa đáp ứng được quy định vẫn cao, lần lượt là 30,1% và 23,3%. Nhà vệ sinh học sinh bán kiên cố, tạm, mượn cũng chiếm tỷ lệ cao là 32,6%.
Báo cáo tổng kết năm học của Bộ cũng chỉ ra hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, lạc hậu. Điều này không chỉ diễn ra ở các trường từ mầm non đến THPT mà còn ở nhiều trường đại học, cao đẳng.
Với thực tế đó, Bộ Giáo dục đề ra nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo trong năm học 2018-2019. Cụ thể, ngành sẽ rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục để các địa phương xây mới, sửa chữa, cải tạo. Bộ đồng thời điều chỉnh, bổ sung và ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật với cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị dạy học cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu của chương trình.
Giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên
Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Giáo dục, tại 43 tỉnh thành hiện thiếu gần 76.000 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non có số lượng thiếu lớn nhất là 43.700; tiểu học thiếu gần 19.000. Riêng bậc THCS và THPT có tình trạng thừa thiếu cục bộ. Bậc THCS thiếu 10.000 giáo viên nhưng đồng thời thừa 12.000. Cấp THPT thiếu trên 3.000 người nhưng đâu đó lại thừa.
"Quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên các môn học, cấp học và tại một số địa phương. Một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ và xã hội", báo cáo tổng kết năm học của Bộ Giáo dục viết.
Ngành giáo dục do đó đặt mục tiêu trong năm học mới, các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, có phương án phù hợp để khắc phục tình trạng thừa thiếu, nhất là vùng tăng trưởng nóng về quy mô học sinh. Việc điều chỉnh hoặc ban hành mới định mức số người làm việc theo vị trí việc làm ở cơ sở giáo dục đào tạo theo chủ trương tinh giản biên chế cũng là nhiệm vụ được đề ra.
"Việc cắt giảm biên chế không được thực hiện máy móc mà phải căn cứ thực tế để cắt ở nơi thừa và tuyển thêm giáo viên cho nơi thiếu", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong Hội nghị tổng kết năm học ngày 2/8. Ông nhấn mạnh, Nghị quyết số 19 của Trung ương năm 2017 quy định giảm 10% biên chế là giảm số lượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không phải giảm giáo viên. Việc cắt giảm này tập trung trước hết vào vị trí gián tiếp còn giáo viên dạy học phải đủ.